Category Archives: Thời Sự Thị Trường Nhà Đất

Từ năm 2012, đất lấn chiếm chịu thuế suất 0,2%

Ngày 7/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố lệnh về một số điều luật được Quốc hội thông qua như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 quy định đối tượng chịu thuế là đất ở tại nông thôn, đô thị, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp… Diện tích đất trong hạn mức chịu thuế suất 0,03%. Đối với phần diện tích đất vượt không quá 3 lần hạn mức sẽ phải chịu thuế suất 0,07%. Riêng phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức chịu thuế suất 0,15%. Đất sử dụng không đúng mục đích, chưa sử dụng theo quy định có thuế suất 0,15%. Luật quy định rõ, đất lấn, chiếm áp dụng mức thuế suất 0,2% và không áp dụng hạn mức.
Ảnh: Hoàng Hà
Đất lấn chiếm không chịu hạn mức. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011, Luật các tổ chức tín dụng đã quy định giới hạn về về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông. Theo đó, cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15%. Cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2011.
(Theo Vnexpress)

Bất động sản: Khó kiếm siêu lợi nhuận sau Nghị định 71

Những ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm, năng lực tài chính giữa chủ đầu tư và các công ty thứ cấp tại nghị định 71 sẽ giúp cho thị trường bất động sản được minh bạch và phát triển ổn định hơn.
Khi thị trường được minh bạch hóa thì sẽ không còn những đợt “sóng lớn” và những khoản lợi nhuận kếch xù cũng không dễ kiếm.
Thị trường minh bạch, khơi thông nguồn vốn
Điểm quan trọng nhất trong Nghị định 71 liên quan đến việc huy động vốn của chủ đầu tư dự án. Theo đó, chủ đầu tư có quyền huy động vốn của các công ty thứ cấp sớm hơn ngay từ khi thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng với lượng vốn huy động 20% tổng dự án. Bên cạnh đó, để tránh trường hợp các công ty thứ cấp bán nhà trên giấy, nghị định quy định rõ các công ty thứ cấp tham gia góp vốn sẽ không được trực tiếp bán cho khách hàng khi chưa có quyền sở hữu, và khi bán phải được sự đồng ý của chủ đầu tư và phải ký hợp đồng với chủ đầu tư…
Rõ ràng những quy định mới đòi hỏi chủ đầu tư dự án, các công ty thứ cấp phải có năng lực tài chính để theo đuổi dự án đến cùng, tránh tình trạng “giữa đường đứt gánh” dẫn đến việc huy động vốn, sang nhượng dự án lộn xộn làm méo mó thị trường bất động sản như trong thời gian qua.
“Nghị định 71/2010 với những quy định mới là khá chặt chẽ và hoàn chỉnh. Nghị định sẽ giúp cho thị trường được minh bạch hóa mọi thông tin đặc biệt ‘siết’ được hiện tượng bán nhà trên giấy nhằm tránh rủi ro cho người mua. Tuy nhiên, theo tôi khi thị trường đã được minh bạch hóa và đi vào sự phát triển ổn định thì nó sẽ không còn có những đợt sóng lớn và các nhà đầu tư sẽ khó có thể tìm kiếm được các khoản tiền siêu lợi nhuận như thời gian trước”, GS – TS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết.
Ông Võ cho biết thêm, khi nghị định đi vào thực thi, nhiều khả năng thị trường sẽ có giai đoạn trầm lắng ít nhất khoảng 1-2 năm để cho các đối tượng tham gia vào thị trường này thích nghi được với điều kiện kinh doanh mới. Tuy nhiên, hết giai đoạn nay, thị trường sẽ phát triển ổn định với mặt bằng giá mới cao hơn hiện nay.
Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc Công ty kinh doanh bất động sản Viglacera (Viglacera Land), Nghị định 71/2010/NĐ-CP là một bước tiến lớn cho các chủ đầu tư dự án bất động sản. Nó là cơ sở để khơi thông nguồn vốn cho hàng loạt các dự án bất động sản đang nằm im chờ vốn trong nhiều năm qua.
Giới đầu cơ lo lắng
Có thể nói, thị trường bất động sản phát triển sôi động phần lớn là do có sự tham gia của giới đầu tư và đầu cơ. Chính động thái mua đi bán lại các sản phẩm trên thị trường góp phần đẩy giá bất động sản tăng từng ngày. Tuy nhiên, những quy định mới trong nghị định 71/2010 NĐ-CP sẽ không khuyến khích được đối tượng này tham gia vào thị trường và như vậy thị trường khó có thể sôi động.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc sàn bất động sản An Khang (Xa La) cho rằng: “Việc quy định chủ đầu tư cấp II không được quyền bán dự án ngay sau khi nộp tiền huy động vốn cho chủ đầu tư cấp I sẽ gây tình trạng chủ đầu tư cấp II sẽ bị giam vốn. Vì vậy, không khuyến khích được các công ty thứ cấp tham gia thị trường. Đương nhiên, nếu không có họ thì thị trường sẽ rất khó sôi động. Hơn nữa, trong trường hợp chủ đầu tư cấp hai được giao dịch khi đảm bảo các điều kiện theo nghị định nhiều khả năng sẽ trùng với thời điểm chủ đầu tư cấp I tung hàng ra. Như vậy, ảnh hưởng đến việc cung hàng ra thị trường chủ đầu tư cấp II. Hơn nữa, nếu trong trường hợp chủ đầu tư và thứ cấp thông đồng bán dự án sớm hơn để huy động vốn thì sẽ lại đẩy rủi ro về phía người mua.
Theo ông Nguyễn Văn Long – Giám đốc sàn bất động sản Hồng Phú, Nghị định 71 sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản bởi lâu nay chính việc mù mờ, bưng bít thông tin của chủ đầu tư là cơ hội lớn cho giới đầu tư kiếm tiền. Khi mọi thứ đã rõ ràng thì sẽ không còn nhiều cơ hội như vậy nữa. Đối tượng nào muốn tham gia vào cuộc chơi này phải chấp nhận những luật chơi mới. Theo ông Long, người hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những người có nhu cầu mua nhà thực sự để ở.
(Theo Vnmedia)

11 sai lầm hay gặp của nhà đầu tư bất động sản

Đây là những sai lầm mà nhà đầu tư bất động sản thường hay phạm vào, và dĩ nhiên còn có những vấn đề khác nữa.

1. Chi rất nhiều tiền cho việc mua sách vở, băng đĩa và tham dự nhiều khoá học về bất động sản nhưng sau đó bỏ hết chúng vào tủ sách và chẳng bao giờ ngó ngàng đến chúng nữa.
Nhiều người muốn trở thành nhà đầu tư bất động sản đã chi rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc để tham dự các khoá học, đầu tư kiến thức nhưng họ chẳng bao giờ dùng đến chúng để khởi đầu việc đầu tư. Điều này không những gây lãng phí tiền của mà nó còn có thể là sai lầm nhất tài chính lớn.
2. Thất bại trong việc học những điều cơ bản trong việc đầu tư bất động sản
Ngoại trừ trường hợp thứ nhất, những nhà đầu tư bất động sản tiềm năng đều nhận ra rằng bất động sản là cách tốt nhất để tích luỹ tiền của và đầu tư liều lĩnh qua việc mua bán bất động sản nhưng lại chẳng biết chút kiến thức cơ bản trong việc đầu tư. Những người như vậy luôn gặp khó khăn trong tài chính. Lời khuyên cho những người này là nên học cách đầu tư thông minh.
3. Sợ phải chi một số tiền lớn cho việc đầu tư
Những nhà đầu tư lần đầu thường có tâm trạng lo sợ trong lòng. Điều quan trọng nhất mà họ cần làm là dẹp hết mọi lo lắng và đưa ra quyết định sáng suốt. Đừng đầu tư theo cảm tính, hãy đầu tư theo kiến thức.
4. Không tìm đủ số lượng bất động sản
Đừng cho rằng ngôi nhà đầu tiên bạn thấy là tuyệt vời. Có quá nhiều nhà đầu tư mua bất động sản mà họ cho là chúng quá đẹp hay họ lười đi xem những bất động sản khác ở những khu tốt hơn. Một phần trong việc đầu tư thành công là phải chọn cái tốt nhất và thích hợp với tài chính nhất.
5. Triệu chứng “một thương vụ tốt hơn chỉ gần đây thôi”
Điều này đối lập với sai lầm thứ 4. Nhà đầu tư đã không bao giờ khởi đầu cho chương trình đầu tư vì họ hy vọng rằng sẽ có vài vụ tốt hơn ở đâu đây và họ cứ chờ…và chờ. Lời khuyên là bạn nên học cách biết mất bao nhiêu tiền trong việc trì hoãn đầu tư của bạn trong cả năm trời chỉ để chờ một thương vụ khác tốt hơn.
6. Nghĩ rằng việc đầu tư bất động sản là một trò chơi quá phức tạp và khắc nghiệt, chì dành cho những người giàu có tham gia.
Việc đầu tư vào bất động sản không quá khó khăn. Những ai có ý định đầu tư đều có thể trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.
7. Quá đam mê bất động sản
Qúa nhiều nhà đầu tư yêu thích bất động sản của họ. Điều đầu tiên là bạn đừng để mình bị lừa khi nghĩ đến mức sinh lời của bất động sản khi đem ra bán chúng chỉ vì bạn cho rằng lưu lượng tiền mặt của bạn sẽ cao hơn khi quyết định mua bất động sản này.
Điều thứ hai là việc duy trì mối quan hệ bạn tốt với chủ nhà sẽ làm bạn gặp thất bại trong việc định giá bất động sản theo những tiêu chuẩn cơ bản mà không nhận ra thực chất chúng đang bị mất giá.
8. Thất bại trong việc lên kế hoạch tài chính
Trước khi mua bất động sản lần đầu tiên, dĩ nhiên bạn phải phân tích tài chính, xác định việc bạn mong chờ gỉ trong việc đầu tư này.
9. Tin rằng bạn sẽ giàu có rất nhanh mà không sử dụng tiền của chính bạn
Chuyện giàu có chỉ qua một đêm là chuyện không tưởng. Điều quan trọng mà bạn cần nhớ là bạn có thể làm và gia nhập vào hàng triệu người đang tạo ra thu nhập qua việc đầu tư bất động sản.
10. Không phân tích đánh giá chuyện tiền bạc cho vụ đầu tư bất động sản tiềm năng
Đây là sai lầm nghiêm trọng nhất của nhà đầu tư đối với bất động sản tiềm năng. Nhiều người đã quyết định chi một số tiền lớn để đầu tư mà chẳng quan tâm bất động sản này sẽ dùng như thế nào.

11. Cho rằng việc trả tiền phí ngân hàng cũng như việc vay nợ thế chấp là chuyện tệ hại
Nếu bạn học điều này từ những người sinh sống trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, bạn sẽ phải nghi ngờ với triết lý này. Việc vay nợ thế chấp rất tốt, và không đáng sợ lắm. Những khoản vay nợ thế chấp là những chìa khoá để tạo sự giàu có trong đầu tư bất động sản.
TH

Hà Nội: Giá thuê văn phòng hạng A giảm mạnh

Với mức giá chào thuê trung bình ở dưới 40 USD/m2, phân khúc văn phòng hạng A chứng kiến sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ quý III/2007.
Theo CBRE Việt Nam, giá chào thuê văn phòng hạng A giảm nhẹ 5,9% so với quý trước, khoảng 39,66 USD/m2. Trong quý II/2010, thị trường văn phòng cũng chứng kiến lần đầu tiên giá chào thuê trung bình phân khúc văn phòng hạng A ở dưới mức 40 USD/m2. Giá chào thuê văn phòng hạng B ổn định ở mức 26,42 USD/m2.
So với quý trước, tỷ lệ trống tại các tòa nhà hạng A giảm 1,75%, tỷ lệ trống tại các tòa nhà hạng B giảm 3,32%. Diện tích cho thuê mới của các tòa nhà hạng B đạt mức 16.830 m2, tòa nhà hạng A đạt mức 2.036 m2.
Nguồn cung văn phòng tăng. (Ảnh: DT)
Nguồn cung văn phòng tăng. (Ảnh: DT)
Các tòa nhà văn phòng hạng B tiếp tục đạt mức cho thuê mới khá tốt, phần lớn các dự án chấp nhận giữ giá thuê ở mức hiện tại.
Trong quý II, thị trường cũng đón nhận thêm 7.600 m2 diện tích văn phòng hạng B từ tòa nhà Hanoi Tourist Building, tại phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Tòa nhà đã được lấp đầy gần 100% diện tích thuê trước khi khai trương.
So với thời điểm những năm trước, nhiều khách muốn thuê văn phòng phải xếp hàng, ưu thế hiện nay đã thuộc về khách thuê. Giá thuê giảm, nhiều công ty tại Hà Nội có xu hướng thuê tại các tòa nhà có chất lượng tốt hơn.
Cũng theo đánh giá của CBRE, nghị định của Bộ Xây dựng về việc cấm sử dụng chung cư làm văn phòng sẽ tác động không nhỏ đến thị trường văn phòng. Nhiều doanh nghiệp đang chuyển dịch vị trí thuê từ các chung cư sang các tòa nhà. Mặc dù vậy, ở thời điểm hiện tại, giá thuê văn phòng vẫn chưa có nhiều biến động.
CBRE nhận định, dự kiến không có nhiều thay đổi về giá thuê trong thời gian tới. Khu vực phía Tây, nguồn cung văn phòng sẽ tiếp tục tăng với một loạt dự án chuẩn bị đi vào hoạt động như Hanoi Grand Plaza, Crowne Plaza, Keangnam Hanoi Landmark Tower… Nhiều công ty sẽ có xu hướng thuê dài hạn tại những tòa nhà chất lượng cao ở khu vực này.
Nhu cầu mạnh từ các công ty trong nước và các hợp đồng cho thuê dài hạn tiếp tục là xu hướng nổi bật trên thị trường văn phòng. Nhu cầu văn phòng dự kiến vẫn ở mức cao trong một vài quý tới, tuy nhiên nguồn cung tiếp tục tăng cao hơn nhu cầu. Tuy nhiên, nguồn cung tăng quá nhanh không theo kịp nhu cầu.

Thị trường BĐS Hà Nội trước đại lễ sẽ khởi sắc

Kinh tế Hà Nội tiếp tục có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh và hàng loạt dự án hạ tầng đang được chạy đua để hoàn thành trước dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long. Tín hiệu vui này liệu có làm thị trường BĐS khởi sắc?

Dấu hiệu kinh tế lạc quan
Báo cáo của các bộ ngành có liên quan cho thấy, kinh tế Hà Nội tiếp tục có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh trong Quý 2/2010. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức trung bình 6,2% của cả nước.
Nhập khẩu tăng 16,67%, và xuất khẩu tăng 11,39% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức nhập khẩu đạt 5,6 tỷ USD, trong khi xuất khẩu ghi nhận ở mức 1,8 tỷ USD.
Thị trường khách sạn sẽ khởi sắc nhờ ngành du lịch
Hà Nội cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn vốn FDI đăng ký trong quý này, với 70 triệu USD được đăng ký đầu tư vào 75 dự án, so với con số 30 triệu USD cho 60 dự án trong quý trước. Số lượng dự án FDI tăng, cùng với sự tăng đáng kể về mức đầu tư đánh dấu sự tin tưởng của nhà đầu tư vào kinh tế Hà Nội.
Với một số lượng ngày càng tăng của các dự án được cấp phép tại Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng, lượng người nước ngoài tới làm việc cho các công ty đa quốc gia sẽ là nguồn cầu mua và thuê nhà tiềm năng trong tương lai với các không gian sống có chất lượng cao.
Không những vậy, quảng bá du lịch và gia tăng vận tải hàng không sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Khách quốc tế đến Hà Nội đạt 302.000 lượt trong Quý 2 năm nay, so với 229.000 lượt cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của CBRE, tình hình kinh tế trong nửa cuối năm 2010 được xem là khá lạc quan. Việc tiếp tục rót vốn vào các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng chạy đua để hoàn thành trước tháng 10 nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ khuyến khích mức tăng trưởng GDP từ ngành công nghiệp và xây dựng, ngành đóng góp nhiều nhất vào GDP của Hà Nội.
Trong bối cảnh đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đang tới gần, dự kiến mức tiêu dùng nội địa, doanh thu ngành bán lẻ cũng như hoạt động của ngành du lịch sẽ tăng mạnh.
Thị trường BĐS sẽ biến động đến đâu?
Tháng 4 vừa qua, Đồ án “Quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2050” với xu hướng phát triển về phía Tây đã được công bố rộng rãi, dẫn tới việc giá đất biến động mạnh tại khu vực trên, đặc biệt là Ba Vì, hút sự chú ý của công chúng ra khỏi các mảng thị trường khác, nhất là mảng căn hộ.
Tuy nhiên, sau những động thái của Chính phủ và các bộ ngành có liên quan, chỉ sau một thời gian ngắn cơn “sốt” đất Ba Vì ngay lập tức đã “đóng băng”.
Theo quy luật thì kênh đầu tư của giới BĐS sẽ lại chuyển sang các phân khúc khác. Và với một nguồn cầu tiềm năng lớn về nhà ở như hiện nay thì không có lý do gì các nhà đầu tư, đầu cơ bỏ qua… nhưng thực tế thì hoàn toàn khác.
Hiện nay thị trường nhà ở căn hộ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Bên cạnh việc tồn đọng vốn từ các dự án trước đó thì điều này có thể lý giải bởi nguồn cung tung ra thị trường còn “vênh” nhiều so với nhu cầu.
Mặc dù chưa thống kê đầy đủ nhưng qua con số của CBRE có thể thấy, trong quý II/2010 vừa qua, trong số 4.600 căn hộ mới được chào bán thì số căn hộ có giá dưới 1.100 USD/m2 chỉ chiếm 40%.
Trong khi đó, phân khúc bình dân được giao dịch trên thị trường toàn Hà Nội đạt mức tăng trưởng tới 9%. Rõ ràng, nguồn cung phân khúc này còn rất hạn chế khiến thị trường căn hộ ở trong cảnh vừa thiếu, vừa thừa.
Điểm sáng trong quý này là việc Chính phủ đặt mục tiêu hạ lãi suất cho vay xuống 12 – 13% theo Nghị quyết số 23/NQ-CP. Đây sẽ là cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà ở song khả năng vay mượn và chi trả sẽ phụ thuộc rất lớn vào giá căn hộ.
Liên quan đến phân khúc thị trường bán lẻ, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ cũng tăng đáng kể, khoảng 28,2%, điều đó cho thấy sức tăng của nhu cầu tiêu dùng.
Theo nhận định của ông Richard Leech, quý 2 vừa qua Hà Nội đã chứng kiến nhiều thương hiệu bán lẻ có uy tín trong nước và thương hiệu nhượng quyền mở rộng mạng lưới kinh doanh. Doanh thu và số lượng cửa hàng bán lẻ đều tăng, cho thấy tiềm năng phát triển vững mạnh của thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội trong những quý tới.
Không những vậy, thị trường khách sạn cũng sẽ được dự báo là có nhiều chuyển biến tích cực khi 6 tháng vừa qua, ngành du lịch Việt Nam nói chung tăng trưởng mạnh, trong đó, du lịch Hà Nội đã đạt mức tăng trưởng 12% đối với lượng khách quốc tế, và 13,5% đối với lượng khách nội địa.
Đặc biệt, với Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Chương trình kích cầu du lịch của Tổng cục Du lịch trong nửa năm còn lại của 2010, lượt khách du lịch được kỳ vọng sẽ tăng mạnh và hiệu suất sử dụng phòng và RevPAR (doanh thu phòng trung bình) của thị trường khách sạn Hà Nội sẽ được cải thiện.

Thị trường chung cư Hà Nội đua khuyến mại

Thị trường chung cư Hà Nội ảm đạm, lượng giao dịch èo uột khiến hàng loạt chủ đầu tư đồng loạt tung ra các chiêu khuyến mại sốc nhằm thay đổi cục diện tình hình.
Chân ướt chân ráo ra Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Lâm Viên, chủ đầu tư dự án Richland Southern đã gây sốc với hình thức khuyến mãi “mua nhà, tặng xe”. Chưa hết, công ty này còn tiếp tục điều chỉnh tỷ lệ nộp tiền lần đầu khi mua căn hộ. Từ 1/7 đến 9/8, những khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ có giá trung bình khoảng 2.000 USD mỗi m2 khi hoàn tất thanh toán đợt một sẽ được tặng xe Honda SHi 150cc. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng giảm tỷ lệ thanh toán trong đợt một từ 50% giá trị hợp đồng xuống còn 20%.
Bà Vũ Hương Lan, Giám đốc Marketing công ty này cho hay, đây là giải pháp nhằm chia sẻ khó khăn về tài chính với khách hàng khi thị trường đang khó khăn. Theo bà Lan, đối tượng khách hàng mà công ty nhắm đến là những người có nhu cầu thực, mua để ở và không bán qua sàn. “Chưa thể đánh giá tác động hiệu quả ngay của thị trường nhưng ngay ngày đầu tiên, sau khi đưa hình thức khuyến mại này, đã có nhiều người đến hỏi mua căn hộ”, bà Lan chia sẻ.
Ảnh: Hoàng Hà
Khuyến mại để kích cầu khách hàng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Khuyến mại khi mua nhà khá phổ biến ở thị trường bất động sản phía Nam và đến nay đã dần lan đến Hà Nội song chủ yếu rơi vào các căn hộ cao cấp. Dự án Mulberry Lane (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng thu hút khách hàng với chương trình: “Mua ngay căn hộ nhận phiếu rút thăm trúng chuyến du lịch trị giá 99.000.000 VNĐ”. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng hợp tác Ngân hàng Quốc Tế (VIB) hỗ trợ khách hàng vay 65% – 90% giá trị hợp đồng khi mua nhà.
Gây đình đám trên thị trường phải kể đến dự án Tricon Tower với mức chiết khấu khá lớn. Từ 16/6 đến 30/8, Công ty cổ phần Đầu tư Minh Việt hỗ trợ khách hàng 5-15% trên giá bán niêm yết.
Động thái trên của các chủ đầu tư nhằm nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bán hàng song nhiều chuyên gia bất động lại không có cái nhìn khả quan. Theo họ, trong khi thị trường chung cư giảm đến 70% lượng giao dịch, đây chỉ được coi là một giải pháp tình thế tạm thời để khuấy động thị trường.
Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản B.D.S, cho hay, khi thị trường khó khăn, nguồn cung quá nhiều, sức cạnh tranh lớn, chủ đầu tư buộc phải tìm cách kích cầu thông qua các hình thức khuyến mại. Nếu trước đây, thị trường sốt nóng, nhiều dự án “chưa bán đã hết hàng” thì nay địa ốc đã chững lại và chủ đầu tư buộc phải tìm mọi cách để thu hồi vốn, tái đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, hình thức khuyến mại này sẽ có tác dụng tích cực đối với những khách hàng có nhu cầu thực nhưng đối với giới đầu tư, giải pháp này không ảnh hưởng nhiều. Về cơ bản thị trường bất động sản chịu tác động mạnh của nguồn vốn và khả năng sinh lời. Giới đầu tư chỉ tích cực tham gia vào thị trường khi nguồn vốn ổn định và khả năng sinh lời cao.
Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sông Đà Thăng Long lý giải, khác với các loại hàng hóa thông thường, đường cầu bất động sản ít nhạy cảm. Bởi vậy, hình thức khuyến mại như tặng quà hay giảm giá không thực sự phát huy tác dụng đối với thị trường bất động sản.
Nhà đầu tư sẽ không đổ xô đi mua chung cư chỉ vì được tặng hay giảm giá vài chục triệu đồng. Để kích cầu, cách tốt nhất là phải tác động trực tiếp vào nguồn vốn của khách hàng. “Tôi cho rằng, giãn tiến độ đóng tiền, hỗ trợ lãi suất trong khi thị trường chưa khởi sắc là một chiêu thức hay để giảm áp lực tài chính tại thời điểm này”, ông Việt nhận định.
Còn ông Trường cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng và giá thành sản phẩm. Trong khi nhiều dự án cao cấp ồ ạt tung ra, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn nhưng chủ đầu tư vẫn kỳ vọng ở mức siêu lợi nhuận nên định giá cao, vượt quá khả năng chi trả dẫn đến việc nhà không bán được. “Điều quan trọng để gỡ nút thắt cho thị trường thời điểm này giá bán phải phù hợp với giá thành và quan trọng hơn là phù hợp với giá trị của bất động sản, các chủ đầu tư không nên định giá quá cao”, ông Trường nhận định.
Cũng theo ông Trường, chủ đầu tư nên linh hoạt với tình hình thức tế. Khi thị trường chưa khởi sắc, chủ đầu tư nên kỳ vọng mức lợi nhuận hợp lý hơn để nhanh chóng thu thu tiền về. Còn khách hàng, trước khi đưa ra quyết định mua hàng nên cân nhắc kỹ, quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm, dự án, uy tín chủ đầu tư, tình hình thị trường.
vnexpress

“Cách làm cổng chào chưa đủ thận trọng như 1.000 năm qua”

  – “Cách làm cổng chào và cách công bố xem ra chưa theo con đường văn hiến Thăng Long cũng như nguyện vọng lúc này của người dân Thủ đô, lại càng chưa đủ sự thận trọng như 1.000 năm qua những người đi trước vẫn làm”, Kiến trúc sư Lê Văn Lân phân tích.

 

 

Kiến trúc sư Lê Văn Lân
 
Thưa ông, không hẳn nhiều người dân không ủng hộ làm cổng chào phục vụ Đại lễ 1.000 năm, nhưng việc thành phố mãi đến tháng 6 vừa rồi mới đưa ra các mẫu thiết kế và không lâu sau đã quyết định làm ngay khiến không ít người chưa cảm thấy yên tâm. Vậy quan điểm của ông về làm cổng chào cho Đại lễ như thế nào?
 
Cổng chào vốn được dân ta hay dùng từ nông thôn đến thành thị mỗi khi bộc lộ hân hoan và chào mừng sự kiện. Xưa nay người ta không bàn cãi nhiều vì nó luôn chỉ bằng khung tre, tết lá như dừa, trung đình, ngâu, vạn tuế… Ở thành phố thì có gì làm nấy, sau ngày lễ lại nhanh chóng dỡ ra. Làm cổng chào tôi không phản đối, nhưng tôi quan niệm phải làm cổng như dân Việt Nam mình vẫn làm, chỉ tồn tại vài ngày, sau lễ là tháo. Như thế, cổng chào phải thật đơn giản, lắp đặt nhanh.
 
Giải pháp chất liệu sang nhất là bằng lá cây, hoa, chậu hoa. Thứ hai, các loại vật liệu nhẹ như vải, gỗ dán, cót ép. Thứ ba, màng mỏng bơm hơi, bong bóng các cỡ. Kế đến, bằng các luồng ánh sáng mạnh như đèn pha, laze, với hiệu quả về đêm nhiều hơn. Thứ 5, bằng thả diều, khí cầu, cờ phướn.
 
Tùy địa điểm mà chọn loại chất liệu phù hợp, hiệu quả về hình ảnh và kinh phí thấp. Trước hết phải kể đến màng mỏng bơm hơi, bởi chỉ với 10 phút có thể tháo lắp xong, lại tạo được đủ loại hình khối, hình tượng bay nhảy.
 
Còn tất cả những thứ bằng bê tông, bằng đá đều không nên làm vì sẽ phạm vào những sai lầm không rút ra được, không sửa chữa được.
 
5 phương án thiết kế cổng chào của thành phố với các hình tượng chim Lạc, Trống đồng, cọc Bạch Đằng… ông có ý kiến như thế nào?
 
Thành phố có đưa ra 5 phương án nhưng làm sao lại chỉ 5 hình vẽ như vậy mà chọn để xây dựng được?
 
Cách làm và cách công bố xem ra chưa theo con đường văn hiến Thăng Long cũng như nguyện vọng lúc này của người dân thủ đô, lại càng chưa đủ sự thận trọng như 1.000 năm nay những người đi trước vẫn thận trọng.
 
Mô hình 1 trong 5 mẫu cổng chào.
 
Ai cũng biết, nói đến Thăng Long là nói đến văn hiến, nói đến tôn trọng trí tuệ và nói đến sự tích luỹ, thâu tóm, chọn lựa trí tuệ. 1.000 năm dài lắm, sự thận trọng của ông bà ta ghê gớm lắm, trí tuệ lắm, chứ không đơn giản 5 cái hình như thế mà chọn xây được.
 
Nhưng thành phố chưa quyết định xây vĩnh cửu mà chỉ làm bán kiên cố để có thể tháo dỡ trong trường hợp chưa đạt?
 
Không nên dùng không gian Hà Nội vào những cuộc thử nghiệm. Nên rút những bài học thất bại và huyễn hoặc từ ý muốn xây dựng Cửa ô phía Nam của mấy năm trước.
 
Dự kiến kinh phí ban đầu để xây 5 cổng chào lên tới 50 tỷ đồng, vậy nếu làm cổng chào theo cách của ông, kinh phí bao nhiêu sẽ đủ?
 
Kinh phí cho tất cả nên ở mức 1/10 dự kiến đó, mà nói vui là gồm cả… liên hoan.
 
Ông cho rằng phải làm cổng chào cho dịp Đại lễ theo cách đơn giản, ít tốn kém, nhưng sau này, nếu hội đủ những điều kiện cần thiết, chúng ta có thể làm những cổng vĩnh cửu?
 
Tại sao lại không? Tôi là người được giao vẽ cổng công viên Thống nhất và tôi đã tốn hết 10 năm để làm. Giai đoạn đó, thành phố luôn thúc giục, mở rất nhiều cuộc thi và trong bối cảnh đất nước thống nhất thì không thể nói là không bức thiết được.
 
Làm cổng không như làm nhà, bởi người bình thường làm nhà có thể nhanh, nhưng cổng lại cần những người rất xuất sắc và làm trong thời gian rất dài.
 
Không gì là không làm được, nhưng phải có đủ suy nghĩ, đủ bàn cãi.
 
Xin cám ơn ông!
Theo dantri

5 cổng chào Hà Nội có tùy tiện không?

“Đặt ra là “xây cổng chào để làm gì?” Còn 100 ngày nữa đã đến đại lễ kỷ niệm mới đưa ra ý tưởng xây 5 cổng chào, rồi nếu không xây cổng chào thì làm bãi đỗ xe… Và chắc gì chỗ đó lại cần bãi đỗ xe nhỉ? Nếu không làm bãi đỗ xe thì có thể làm thêm cái gì đó, cho ai đây?”- GS TS Nguyễn Quang Ngọc nói về ý tưởng xây 5 cổng chào, mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long.

LTS: Tuần qua, liên tục những thông tin về cổng chào Hà Nội được cập nhật, thay đổi. Bắt đầu từ  22/6 là thông tin Hà Nội sẽ xây dựng 5 cổng chào do 5 doanh nghiệp tặng toàn bộ hoặc đóng góp một phần, tổng trị giá là 50 tỷ đồng. Ngày 25/6, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định tại cuộc giao ban của lãnh đạo thành phố với các quận huyện rằng thành phố sẽ không làm ngay các cổng chào vĩnh cửu, mà làm các cổng chào tạm, kinh phí xây dựng vừa phải, không phải là 50 tỷ đồng. Đến 29/6, UBND Hà Nội đã chấp thuận phương án lắp dựng cổng chào tại 4 cửa ngõ vào thủ đô, riêng cổng chào tại quốc lộ 5 đi Hải Phòng chưa được phê duyệt, các công trình sẽ hoàn thành trước ngày 2/9.
Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội xung quanh câu chuyện này.
Sự tưởng tượng... chẳng đâu vào đâu cả!
GS bình luận gì về việc Hà Nội đưa ra ý tưởng xây dựng 5 cổng chào ở QL 1 (tuyến Hà Nội - Lạng Sơn), đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Láng - Hòa Lạc, QL 1 (tuyến Pháp Vân - Cầu giẽ) và QL 5?
GS Nguyễn Quang Ngọc: - Câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là "xây cổng chào để làm gì?". Nếu như xây cổng chào để phục vụ một sự kiện, cụ thể ở đây là đón khách trong nước và quốc tế đến tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghĩa là đến hết Đại lễ thì cũng không cần cổng chào nữa. Thường cổng chào kiểu đó gắn với sinh hoạt văn hóa của các làng xã, thậm chí làng có sẵn cổng rồi, khi có lễ thì trang hoàng thành cổng chào, nhiều khi chỉ cần trương băng rôn nối hai trục của cổng để chào đón khách đến với làng.
Nếu Hà Nội dự định xây cổng chào như thế thì cần phải bàn kỹ để xây cho đúng với ý nghĩa, tinh thần của đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Làm được công trình nghệ thuật thực sự thì tốt quá, nhưng dù nghệ thuật hay không cũng phải mang tính biểu trưng cao, gắn với sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội theo tinh thần đây là thành phố văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, được khởi dựng từ sự kiện định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. Chỉ cần xây một cổng chào, sẽ giống một biểu tượng kỷ niệm hơn là một cổng thực tế để đón khách đi ra đi vào. Nghĩa là phải khai thác tính biểu trưng của nó chứ không phải khai thác giá trị sử dụng của nó.
Cổng chào Pháp Vân – Cầu Giẽ.


Muốn làm một cổng chào như thế sẽ cần trao đổi kỹ để có một đề bài chuẩn xác cho người thiết kế có cơ sở phóng tác.

Xem ra GS không đồng tình với những hình tượng mà Hà Nội đã chọn cho cổng chào như trống đồng, chim lạc, rồng thời Lý (riêng hình tượng bãi cọc Bạch Đằng chưa được Hà Nội phê duyệt)
- Tôi thấy đó là sự tưởng tượng... chẳng đâu vào đâu cả.
Bãi cọc Bạch Đằng là để chặn quân thù, gây thêm chướng ngại vật để tiêu diệt quân xâm lược, trương cái đó ra có phải không cho người vào Hà Nội à? May mà Hà Nội chưa phê duyệt.
Nhưng ngay cả những hình tượng đã được phê duyệt, tôi cũng thấy không mấy thuyết phục
Trống đồng đúng là một biểu tượng của cội nguồn văn hóa Việt, nhưng liệu có phải là biểu tượng của nghìn năm Thăng Long không? Cả chim Lạc cũng thế. Cổng ở hướng Hà Nội - Lạng Sơn, giáp với Bắc Ninh, có lẽ vì liên tưởng đến 8 vị vua triều Lý nên làm 8 con rồng chăng?. Nếu đúng như vậy thì tội cho các vị vua nhà Lý thật. Các vị dựng nên Kinh thành Thăng Long làm gì để nghìn năm sau phải đứng ở chốn đầu đường thế này? Hình tượng nghệ thuật gì mà kỳ cục vậy?
Trong khi đó ai mà chẳng biết Thăng Long là Rồng Bay (chuyện kể rằng đúng vào ngày này nghìn năm trước, khi Lý Công Uẩn mới từ Hoa Lư ra, lúc thuyền vừa cập bến, đang đậu ở dưới thành Đại La, có Rồng Vàng hiện lên trên thuyền ngự mới đổi gọi là thành Thăng Long). Thăng Long vừa là biểu tượng mở đầu, vừa là đặc trưng đầy đủ của một thiên niên kỷ phát triển và thăng hoa của Thủ đô ta, của dân tộc Việt Nam ta.
Cổng chào trục đường Hà Nội – Lạng Sơn.
Tại sao cụ Lý Công Uẩn nghĩ ra biểu tượng Rồng Bay đẹp là thế, chuẩn đến thế, mà nghìn năm sau chúng ta lại chỉ nghĩ ra hình ảnh Rồng Chầu?
Chưa kể, qua cách chuẩn bị vừa rồi, tôi cảm giác mục đích của việc xây 5 hay 4 cổng chào cũng lờ mờ, không rõ ràng. Có phải xây cổng chào chỉ để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội không? hay xây dựng chúng như những cổng chính của thành phố Hà Nội? Gọi là cổng đô thị nhưng đô thị ở đây cũng nửa thành phố nửa làng quê, bởi cách xây dựng cổng chào này khiến ta hình dung đến cổng làng nhiều hơn.
Nếu cổng chào được xây dựng không phải chỉ cho đại lễ kỷ niệm thì theo tôi không nên xây.
Cổng chào chỉ chào những người... đi bộ?
GS có thể giải thích lý do?
- Thứ nhất, Hà Nội chưa có một quy hoạch đô thị hoàn chỉnh. Hà Nội đã được mở rộng từ 1/8/2008, giờ ta xây cổng chào cho toàn bộ thành phố Hà Nội trực thuộc trung ương, hay xây cổng chào cho riêng đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Nếu xây cổng chào chỉ cho đô thị trung tâm Hà Nội, thì không lẽ lại gạt cái phần mới được tích hợp vào Hà Nội ra à? Có tự mâu thuẫn với chính sách không? Hay bây giờ cứ xây, đến khi làm xong quy hoạch Hà Nội, thấy không phù hợp lại "bốc" đi chỗ khác?
Bởi nếu hiểu cổng chào theo nghĩa của cổng làng, thì phải xây sát với chỗ địa đầu, nơi tiếp giáp của thành phố Hà Nội với các địa phương khác, nghĩa là phải đưa ra tận mép ngoài cùng của cả thành phố trực thuộc trung ương rộng lớn chứ, mà như thế sẽ cần nhiều cổng lắm. Đằng này lại xây ở những địa điểm mà theo tôi, chưa chứng minh được tính lôgic và hợp lý của chúng: Chỗ thì ở nơi tiếp giáp với Bắc Ninh hiện nay như cổng  trên quốc lộ 1A, chỗ cũng nằm ở nơi tiếp giáp nhưng là tiếp giáp giữa Hà Nội và Hà Tây trước ngày 1 tháng 8 năm 2008 (cổng chào trên đường Láng - Hòa Lạc).
Thứ hai, tại sao lại là 5 cổng chào? Nếu thuyết minh rằng chọn 5 đường giao thông đường bộ quan trọng nhất, thì xin thưa rằng trong thực tế còn nhiều đường khác có ý nghĩa lịch sử quan trọng hơn nhiều. Như trục đường QL 6 về đường Nguyễn Trãi chắc chắn có ý nghĩa hơn đường Láng - Hòa Lạc, bởi đó là con đường thượng đạo, chứng kiến lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội, sao lại bị lãng quên? Rồi đường lên Sơn Tây nữa chứ?
Đấy là mới kể đường bộ, còn đường thủy thì sao? Nếu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì con đường quan trọng nhất đến Thăng Long phải là theo đường thủy, theo sông Hồng, sông Tô, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu... chứ? Còn đường sắt, đường hàng không, bao nhiêu lối vào Hà Nội, không lẽ cổng chào chỉ chào những người... đi bộ? Mà cả đi bộ, nếu muốn được chào đón thì phải đi đúng những đường đã được chọn, chứ đi đường khác thì sẽ không được chào sao?
Tôi vừa thấy trên báo hôm nay có đưa ra một cách lập luận mới là xây 5 cổng chào này để ghi dấu con đường Nam tiến mở mang bờ cõi của tổ tiên ta (cổng tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ), nơi phát tích của nhà Lý (cổng trên đường 1A), cửa ngõ giao lưu quốc tế (đường Thăng Long-Nội Bài), hướng về dẫy núi Ba Vì, nơi "in đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc" (cổng trên đường Hòa Lạc) và cổng trên quốc lộ 5 hướng ra Biển Đông "với những chiến công giữ nước lẫy lừng trong lịch sử". Đây, xét cho cùng cũng vẫn chỉ là lý lẽ của những người xây cổng thôi, còn muốn thể hiện tính chất biểu trưng của mỗi tuyến đường thì cần phải bàn thảo một cách thật sự khoa học và nghiêm túc.
Cổng chào trục đường Hà Nội – Hải Phòng.
Nói tóm lại, ý tưởng xây dựng 5 cổng chào dù có được giải thích như thế nào chăng nữa thì cũng chỉ làm mới thêm cho cái kiểu tư duy cổng làng mà thôi. Đành rằng văn hóa đô thị Thăng Long-Hà Nội có phần rất quan trọng là tích hợp và nhào luyện từ tinh hoa cả văn hóa xóm làng xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc, nhưng mô hình phát triển của đô thị Hà Nội thì quyết không phải là phóng đại cái làng xứ nọ, xứ kia mà thành được.
Đây là kiểu làm tùy tiện!
Vậy theo GS, Hà Nội không cần cổng chào?
- Để xây "vĩnh cửu", theo tư duy đô thị hiện đại thì càng chỉ nên xây một "cổng chào" có tính chất biểu trưng cho thủ đô Hà Nội, kiểu Paris (Pháp) có Khải Hoàn Môn, ngay như Viêng Chăn (Lào) cũng có cổng mang tính chất biểu trưng rất đẹp, có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng đón chào tất cả mọi người đến với thành phố, dù quốc tịch nào, dù đi theo tuyến đường nào, hướng nào, bằng phương tiện gì... Nếu theo tư duy đó thì không cần phải xây dựng ở nơi "địa đầu" theo kiểu "cổng chào" truyền thống.
GS bình luận thế nào về ý kiến của đại diện VP Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long (trên VNExpress), rằng nếu không xây dựng cổng chào ở toàn bộ 5 khu vực thì khu đất trống sẽ được sử dụng làm điểm dừng đỗ của phương tiện giao thông, nên việc giải phóng mặt bằng vẫn tiến hành?
- Đây là kiểu làm tùy tiện. Còn 100 ngày nữa đã đến đại lễ kỷ niệm mới đưa ra ý tưởng xây cổng chào, rồi nếu không xây cổng chào thì làm bãi đỗ xe... Và chắc gì chỗ đó lại cần bãi đỗ xe nhỉ? Nếu không làm bãi đỗ xe thì có thể làm thêm cái gì đó, cho ai đây?
Hoàn toàn không nên giải phóng mặt bằng 5 chỗ, rồi lập luận rằng chỉ làm cổng tạm thôi. Thế là tham nhũng mặt bằng của dân rồi đấy. Không có cổng chào theo tôi cũng không sao, còn nếu đã giải phóng mặt bằng trên quy mô lớn rồi thì phải tính chuyện lâu dài, xây công trình có giá trị biểu trưng cao và để lại lâu dài cho con cháu. Không nên giăng ra làm hàng loạt những công trình "tạm", những công trình "rởm", vừa tiêu tốn quá nhiều tiền của của dân, vừa không làm đẹp hơn, trái lại còn làm nhem nhuốc thêm diện mạo Thủ đô.
tuanvietnam

Hà Nội sẽ có Đại lộ và Quảng trường 1000 năm

Tại buổi họp đóng góp ý kiến cho Dự thảo đặt, đổi tên và điều chỉnh độ dài các tuyến đường, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị Ban soạn thảo mạnh dạn đề xuất Đại lộ 1000 năm và quảng trường 1000 năm.
Trong buổi họp, ban soạn thảo đã đưa ra 47 đường, phố đề nghị được xem xét đặt tên trong đợt này. Nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội chưa có đại lộ nào nên cần phải xem xét lựa chọn các tuyến đường phù hợp để đặt tên. Đồng thời Chủ tịch UBND TP.Nguyễn Thế Thảo đề nghị Ban soạn thảo mạnh dạn đề xuất Đại lộ 1000 năm và quảng trường 1000 năm.
Theo Dự thảo, tên các danh nhân lịch sử, nhà văn hóa, địa danh… được đặt cho nhiều tuyến đường, con phố mới. Cụ thể làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) sẽ có Phố Lụa. Cũng tại quận Hà Đông, các địa danh Văn La, Văn Phú, Cầu Am cũng sẽ mang tên những con phố mới.
Thị xã Sơn Tây sẽ có các tuyến phố Cổng Ô, Tiền Huân, đường Trung Sơn Trầm… Khu vực Hồ Tây tiếp tục được gắn với tên các danh họa, nhà văn hóa như Bùi Xuân Phái, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn… Các khu đô thị được đề xuất đặt tên theo số thứ tự: ví dụ Linh Đàm 1, 2, 3.
(Theo VTC)

Kẻ khóc, người cười sau sốt đất Hà Nội

Trong cơn sốt quay cuồng vừa qua, nhiều người kiếm bộn tiền song cũng không ít trường hợp khuynh gia bại sản chỉ vì đổ xô mua đất Hà Nội theo tâm lý đám đông, đồn thổi.
Anh Thế Học, nhân viên PR của một tập đoàn lớn là trường hợp may mắn trong cơn sốt đất vừa qua. Có người bạn học phổ thông là cò đất chuyên nghiệp tại khu vực Gia Lâm tư vấn, anh quyết chí đổi đời bằng đầu tư bất động sản. Tích góp suốt từ năm 2008, huy động đủ mọi nguồn lực bổ sung, anh có trong tay hơn một tỷ đồng.
Lùng sục khắp nơi từ nội đến ngoại thành, cuối cùng anh quyết định đầu tư 53 m2 đất nền ở khu vực Gia Lâm với giá 25 triệu đồng mỗi m2. Hơn một tháng sau, giá đất lên tới 34 triệu đồng. “Chỉ trong khoảng 2 tháng đã lãi được gần 500 triệu đồng. Trong khi một tháng, ky cóp bỏ lợn mãi cũng chỉ được khoảng 4-5 triệu đồng”, anh Học hồ hởi nói.
Tiền lãi anh lại tiếp tục đầu tư đất làng ở huyện Thanh Oai gần mặt đường to với giá một triệu đồng một m2. Hai tuần sau, đất đã lên tới 3 triệu đồng. Giá đất thổi liên tục, anh nhanh tay lướt sóng rồi tiếp tục mua đi bán lại, tổng số lãi lên tới gần 3 tỷ đồng.
Ảnh: Hoàng Hà
Cần quản lý tốt để tránh trường hợp đầu cơ, kích giá. Ảnh: Hoàng Hà
Bác Đắc Lân ở thôn Cao Mật, Thanh Oai cho biết, cả làng không biết bao nhiêu người đã đổ xô cắt đất vườn để bán, thu về hàng trăm triệu đồng. Không ít người mua xe tay gas phóng vèo vèo, rồi sắm cả tivi LCD để xem.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn. Cơn sốt đất diễn ra chỉ trong khoảng 2 tháng cũng khiến không ít người khuynh gia bại sản. Lan Anh, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội, cho hay, thấy cơn sốt đất lan rộng, chị cũng tấp tểnh đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, Lan Anh đang khốn khổ với khoản đầu tư của mình.
Trong đợt sốt đất vừa qua, cô đã nhanh tay “ôm” hai lô đất rộng 100 m2 ở dự án Chi Đông, Mê Linh với giá 10 triệu đồng mỗi m2. Để mua được hai lô đất này, bố mẹ Lan Anh phải bán gần 70 m2 ở quê nhà Phủ Lý và vay thêm tiền ngân hàng.
Trong khi đất sốt, hàng chục người hỏi mua và đã có lãi thì cô lại chưa muốn bán, chờ giá tiếp tục lên. Bất ngờ, thị trường chững lại, Lan Anh chỉ còn biết khóc dở mếu dở. “Mới chỉ đóng 50% tiến độ, một tháng sau mà không lo được một tỷ đồng còn lại tôi sẽ buộc phải bán lúa non, ước chừng lỗ khoảng 500 triệu đồng”, Lan Anh ngán ngẩm.
Khu vực phía Tây sau một thời gian sôi động giờ đã vắng bóng người mua. Kẻ thức thời, nhanh nhạy đã xả hết hàng, thu về tiền tỷ. Người chậm chân chỉ còn biết ngẩn ngơ nhìn thị trường xuống dốc. Thế nhưng, không chỉ có người buôn đất nghiệp dư lâm vào tình trạng sống dở chết dở mà chính dân đầu tư bất động sản chuyên nghiệp cũng mắc cạn.
Anh Hưng, một môi giới đồng thời là nhà đầu tư cho biết, ngay từ khi khu vực phía Tây chưa sốt, anh đã tranh thủ mua hơn 1.000 m2 ở thôn Mái, xã Yên Bài, huyện Ba Vì gần mặt đường với giá 1,8 triệu đồng một m2. Chưa thỏa mãn, anh ôm cả 4 lô đất ở khu Geleximco hết gần 8 tỷ. Đến nay, thị trường xuống dốc, bán đi không được, giữ lại thì bị đọng vốn lớn, anh chỉ còn biết ngồi chờ cơn sốt tiếp theo của địa ốc Hà Nội.
Theo ông Phạm Trung Hà, Tổng Giám đốc Hòa Phát Land, cơn sốt đất ở khu vực xa trung tâm giống như hiệu ứng vết dầu loang khi giá đất nội thành bị đẩy lên quá cao. Khi thị trường lên cơn sốt, nhiều người có cảm giác kiếm tiền dễ dàng nên lực lượng đầu tư vào bất động sản càng đông. Trong số đó phải kể đến giới công sở có lượng tiền nhàn rỗi không nhỏ và khả năng tiếp cận thông tin qua truyền thông rất nhanh.
“Tuy nhiên, những người dân nghiệp dư thường hiếm người hiểu rõ về bản chất cũng như diễn biến phức tạp của thị trường nên dễ gặp rủi ro hơn các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, ông Hà nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay, nguyên nhân gây sốt đất vừa qua chủ yếu đầu tư theo phong trào, tâm lý đám đông đặc biệt phải kể đến giới đầu cơ thổi giá, kích giá làm giá ảo. Theo ông Hà, mong muốn kiếm được lợi nhuận khi đầu tư vào đất đai của người dân là hoàn toàn chính đáng. Vấn đề là phải quản lý tốt để tránh ảnh hưởng đến quy hoạch, đến thị trường bất động sản và đời sống của chính người dân.
Hiện nay toàn bộ khu vực phía tây đang có dự kiến quy hoạch nhưng chi tiết vẫn còn nằm trên bàn nghị sự. Người dân khi mua bán, chuyển nhượng mà không phù hợp với quy hoạch chi tiết có thể dẫn đến tiền mất tật mang. “Trước khi mua bán, người dân cần xem xét cơ hội, cân nhắc kỹ để đầu tư cho hiệu quả”, ông Hà nhận định.
theo VNEXPRESS