Category Archives: Đồ Án Quy Hoạch Thủ Đô

5 cổng chào Hà Nội có tùy tiện không?

“Đặt ra là “xây cổng chào để làm gì?” Còn 100 ngày nữa đã đến đại lễ kỷ niệm mới đưa ra ý tưởng xây 5 cổng chào, rồi nếu không xây cổng chào thì làm bãi đỗ xe… Và chắc gì chỗ đó lại cần bãi đỗ xe nhỉ? Nếu không làm bãi đỗ xe thì có thể làm thêm cái gì đó, cho ai đây?”- GS TS Nguyễn Quang Ngọc nói về ý tưởng xây 5 cổng chào, mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long.

LTS: Tuần qua, liên tục những thông tin về cổng chào Hà Nội được cập nhật, thay đổi. Bắt đầu từ  22/6 là thông tin Hà Nội sẽ xây dựng 5 cổng chào do 5 doanh nghiệp tặng toàn bộ hoặc đóng góp một phần, tổng trị giá là 50 tỷ đồng. Ngày 25/6, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định tại cuộc giao ban của lãnh đạo thành phố với các quận huyện rằng thành phố sẽ không làm ngay các cổng chào vĩnh cửu, mà làm các cổng chào tạm, kinh phí xây dựng vừa phải, không phải là 50 tỷ đồng. Đến 29/6, UBND Hà Nội đã chấp thuận phương án lắp dựng cổng chào tại 4 cửa ngõ vào thủ đô, riêng cổng chào tại quốc lộ 5 đi Hải Phòng chưa được phê duyệt, các công trình sẽ hoàn thành trước ngày 2/9.
Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội xung quanh câu chuyện này.
Sự tưởng tượng... chẳng đâu vào đâu cả!
GS bình luận gì về việc Hà Nội đưa ra ý tưởng xây dựng 5 cổng chào ở QL 1 (tuyến Hà Nội - Lạng Sơn), đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Láng - Hòa Lạc, QL 1 (tuyến Pháp Vân - Cầu giẽ) và QL 5?
GS Nguyễn Quang Ngọc: - Câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là "xây cổng chào để làm gì?". Nếu như xây cổng chào để phục vụ một sự kiện, cụ thể ở đây là đón khách trong nước và quốc tế đến tham dự Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghĩa là đến hết Đại lễ thì cũng không cần cổng chào nữa. Thường cổng chào kiểu đó gắn với sinh hoạt văn hóa của các làng xã, thậm chí làng có sẵn cổng rồi, khi có lễ thì trang hoàng thành cổng chào, nhiều khi chỉ cần trương băng rôn nối hai trục của cổng để chào đón khách đến với làng.
Nếu Hà Nội dự định xây cổng chào như thế thì cần phải bàn kỹ để xây cho đúng với ý nghĩa, tinh thần của đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Làm được công trình nghệ thuật thực sự thì tốt quá, nhưng dù nghệ thuật hay không cũng phải mang tính biểu trưng cao, gắn với sự phát triển của Thăng Long-Hà Nội theo tinh thần đây là thành phố văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, được khởi dựng từ sự kiện định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. Chỉ cần xây một cổng chào, sẽ giống một biểu tượng kỷ niệm hơn là một cổng thực tế để đón khách đi ra đi vào. Nghĩa là phải khai thác tính biểu trưng của nó chứ không phải khai thác giá trị sử dụng của nó.
Cổng chào Pháp Vân – Cầu Giẽ.


Muốn làm một cổng chào như thế sẽ cần trao đổi kỹ để có một đề bài chuẩn xác cho người thiết kế có cơ sở phóng tác.

Xem ra GS không đồng tình với những hình tượng mà Hà Nội đã chọn cho cổng chào như trống đồng, chim lạc, rồng thời Lý (riêng hình tượng bãi cọc Bạch Đằng chưa được Hà Nội phê duyệt)
- Tôi thấy đó là sự tưởng tượng... chẳng đâu vào đâu cả.
Bãi cọc Bạch Đằng là để chặn quân thù, gây thêm chướng ngại vật để tiêu diệt quân xâm lược, trương cái đó ra có phải không cho người vào Hà Nội à? May mà Hà Nội chưa phê duyệt.
Nhưng ngay cả những hình tượng đã được phê duyệt, tôi cũng thấy không mấy thuyết phục
Trống đồng đúng là một biểu tượng của cội nguồn văn hóa Việt, nhưng liệu có phải là biểu tượng của nghìn năm Thăng Long không? Cả chim Lạc cũng thế. Cổng ở hướng Hà Nội - Lạng Sơn, giáp với Bắc Ninh, có lẽ vì liên tưởng đến 8 vị vua triều Lý nên làm 8 con rồng chăng?. Nếu đúng như vậy thì tội cho các vị vua nhà Lý thật. Các vị dựng nên Kinh thành Thăng Long làm gì để nghìn năm sau phải đứng ở chốn đầu đường thế này? Hình tượng nghệ thuật gì mà kỳ cục vậy?
Trong khi đó ai mà chẳng biết Thăng Long là Rồng Bay (chuyện kể rằng đúng vào ngày này nghìn năm trước, khi Lý Công Uẩn mới từ Hoa Lư ra, lúc thuyền vừa cập bến, đang đậu ở dưới thành Đại La, có Rồng Vàng hiện lên trên thuyền ngự mới đổi gọi là thành Thăng Long). Thăng Long vừa là biểu tượng mở đầu, vừa là đặc trưng đầy đủ của một thiên niên kỷ phát triển và thăng hoa của Thủ đô ta, của dân tộc Việt Nam ta.
Cổng chào trục đường Hà Nội – Lạng Sơn.
Tại sao cụ Lý Công Uẩn nghĩ ra biểu tượng Rồng Bay đẹp là thế, chuẩn đến thế, mà nghìn năm sau chúng ta lại chỉ nghĩ ra hình ảnh Rồng Chầu?
Chưa kể, qua cách chuẩn bị vừa rồi, tôi cảm giác mục đích của việc xây 5 hay 4 cổng chào cũng lờ mờ, không rõ ràng. Có phải xây cổng chào chỉ để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội không? hay xây dựng chúng như những cổng chính của thành phố Hà Nội? Gọi là cổng đô thị nhưng đô thị ở đây cũng nửa thành phố nửa làng quê, bởi cách xây dựng cổng chào này khiến ta hình dung đến cổng làng nhiều hơn.
Nếu cổng chào được xây dựng không phải chỉ cho đại lễ kỷ niệm thì theo tôi không nên xây.
Cổng chào chỉ chào những người... đi bộ?
GS có thể giải thích lý do?
- Thứ nhất, Hà Nội chưa có một quy hoạch đô thị hoàn chỉnh. Hà Nội đã được mở rộng từ 1/8/2008, giờ ta xây cổng chào cho toàn bộ thành phố Hà Nội trực thuộc trung ương, hay xây cổng chào cho riêng đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Nếu xây cổng chào chỉ cho đô thị trung tâm Hà Nội, thì không lẽ lại gạt cái phần mới được tích hợp vào Hà Nội ra à? Có tự mâu thuẫn với chính sách không? Hay bây giờ cứ xây, đến khi làm xong quy hoạch Hà Nội, thấy không phù hợp lại "bốc" đi chỗ khác?
Bởi nếu hiểu cổng chào theo nghĩa của cổng làng, thì phải xây sát với chỗ địa đầu, nơi tiếp giáp của thành phố Hà Nội với các địa phương khác, nghĩa là phải đưa ra tận mép ngoài cùng của cả thành phố trực thuộc trung ương rộng lớn chứ, mà như thế sẽ cần nhiều cổng lắm. Đằng này lại xây ở những địa điểm mà theo tôi, chưa chứng minh được tính lôgic và hợp lý của chúng: Chỗ thì ở nơi tiếp giáp với Bắc Ninh hiện nay như cổng  trên quốc lộ 1A, chỗ cũng nằm ở nơi tiếp giáp nhưng là tiếp giáp giữa Hà Nội và Hà Tây trước ngày 1 tháng 8 năm 2008 (cổng chào trên đường Láng - Hòa Lạc).
Thứ hai, tại sao lại là 5 cổng chào? Nếu thuyết minh rằng chọn 5 đường giao thông đường bộ quan trọng nhất, thì xin thưa rằng trong thực tế còn nhiều đường khác có ý nghĩa lịch sử quan trọng hơn nhiều. Như trục đường QL 6 về đường Nguyễn Trãi chắc chắn có ý nghĩa hơn đường Láng - Hòa Lạc, bởi đó là con đường thượng đạo, chứng kiến lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội, sao lại bị lãng quên? Rồi đường lên Sơn Tây nữa chứ?
Đấy là mới kể đường bộ, còn đường thủy thì sao? Nếu kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì con đường quan trọng nhất đến Thăng Long phải là theo đường thủy, theo sông Hồng, sông Tô, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu... chứ? Còn đường sắt, đường hàng không, bao nhiêu lối vào Hà Nội, không lẽ cổng chào chỉ chào những người... đi bộ? Mà cả đi bộ, nếu muốn được chào đón thì phải đi đúng những đường đã được chọn, chứ đi đường khác thì sẽ không được chào sao?
Tôi vừa thấy trên báo hôm nay có đưa ra một cách lập luận mới là xây 5 cổng chào này để ghi dấu con đường Nam tiến mở mang bờ cõi của tổ tiên ta (cổng tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ), nơi phát tích của nhà Lý (cổng trên đường 1A), cửa ngõ giao lưu quốc tế (đường Thăng Long-Nội Bài), hướng về dẫy núi Ba Vì, nơi "in đậm dấu ấn lịch sử của dân tộc" (cổng trên đường Hòa Lạc) và cổng trên quốc lộ 5 hướng ra Biển Đông "với những chiến công giữ nước lẫy lừng trong lịch sử". Đây, xét cho cùng cũng vẫn chỉ là lý lẽ của những người xây cổng thôi, còn muốn thể hiện tính chất biểu trưng của mỗi tuyến đường thì cần phải bàn thảo một cách thật sự khoa học và nghiêm túc.
Cổng chào trục đường Hà Nội – Hải Phòng.
Nói tóm lại, ý tưởng xây dựng 5 cổng chào dù có được giải thích như thế nào chăng nữa thì cũng chỉ làm mới thêm cho cái kiểu tư duy cổng làng mà thôi. Đành rằng văn hóa đô thị Thăng Long-Hà Nội có phần rất quan trọng là tích hợp và nhào luyện từ tinh hoa cả văn hóa xóm làng xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc, nhưng mô hình phát triển của đô thị Hà Nội thì quyết không phải là phóng đại cái làng xứ nọ, xứ kia mà thành được.
Đây là kiểu làm tùy tiện!
Vậy theo GS, Hà Nội không cần cổng chào?
- Để xây "vĩnh cửu", theo tư duy đô thị hiện đại thì càng chỉ nên xây một "cổng chào" có tính chất biểu trưng cho thủ đô Hà Nội, kiểu Paris (Pháp) có Khải Hoàn Môn, ngay như Viêng Chăn (Lào) cũng có cổng mang tính chất biểu trưng rất đẹp, có ý nghĩa, thể hiện tấm lòng đón chào tất cả mọi người đến với thành phố, dù quốc tịch nào, dù đi theo tuyến đường nào, hướng nào, bằng phương tiện gì... Nếu theo tư duy đó thì không cần phải xây dựng ở nơi "địa đầu" theo kiểu "cổng chào" truyền thống.
GS bình luận thế nào về ý kiến của đại diện VP Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long (trên VNExpress), rằng nếu không xây dựng cổng chào ở toàn bộ 5 khu vực thì khu đất trống sẽ được sử dụng làm điểm dừng đỗ của phương tiện giao thông, nên việc giải phóng mặt bằng vẫn tiến hành?
- Đây là kiểu làm tùy tiện. Còn 100 ngày nữa đã đến đại lễ kỷ niệm mới đưa ra ý tưởng xây cổng chào, rồi nếu không xây cổng chào thì làm bãi đỗ xe... Và chắc gì chỗ đó lại cần bãi đỗ xe nhỉ? Nếu không làm bãi đỗ xe thì có thể làm thêm cái gì đó, cho ai đây?
Hoàn toàn không nên giải phóng mặt bằng 5 chỗ, rồi lập luận rằng chỉ làm cổng tạm thôi. Thế là tham nhũng mặt bằng của dân rồi đấy. Không có cổng chào theo tôi cũng không sao, còn nếu đã giải phóng mặt bằng trên quy mô lớn rồi thì phải tính chuyện lâu dài, xây công trình có giá trị biểu trưng cao và để lại lâu dài cho con cháu. Không nên giăng ra làm hàng loạt những công trình "tạm", những công trình "rởm", vừa tiêu tốn quá nhiều tiền của của dân, vừa không làm đẹp hơn, trái lại còn làm nhem nhuốc thêm diện mạo Thủ đô.
tuanvietnam

Cơ quan nào sẽ "duyệt" đồ án quy hoạch Hà Nội?

“Theo như Bộ Xây dựng thì việc đưa ra Thường vụ Quốc hội lần này cũng như trước Quốc hội vào kỳ họp tới đây cũng chỉ là để xin ý kiến. Như thế, Quốc hội không phải quyết, mà là tư vấn cho Chính phủ…”


Đây chỉ là một trong nhiều ý kiến băn khoăn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi được “xin ý kiến” về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Đề án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân.
Hội trường phiên họp của Thường vụ Quốc hội hôm 11/5 tràn ngập âm thanh. Đó là tiếng các bản nhạc phát ra từ các màn hình tivi cỡ lớn đang chiếu lên mô hình về Thủ đô những năm 2030 và “ước mơ” đến năm 2050.

Đây là đoạn phim mô phỏng được Bộ Xây dựng trình chiếu phục vụ các đại biểu sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày tóm tắt Đồ án quy hoạch Thủ đô đang được hoàn thiện.

Kết thúc đoạn phim, tiếng vỗ tay vang lên, nhưng cũng ngay sau đó, có ý kiến đại biểu cho rằng “Vẽ thì đẹp như thế, nhưng không biết đến lúc làm có đẹp hay không?”. Câu hỏi này cũng bắt đầu cho một loạt những băn khoăn sau đó được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra.

Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt câu hỏi về xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì tách biệt với Trung tâm chính trị ở Ba Đình liệu có gì khác nhau không? Bên cạnh đó, nhiều trụ sở, cơ quan làm việc cấp bộ đang được xây dựng ở nội đô cũ, nếu bây giờ quy hoạch lại thì phải tính toán như thế nào? Nhiều đại biểu khác cũng có cùng quan điểm này.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn e ngại tính hợp lý của Đồ án với nhiều quy hoạch đã được xác lập trước đó. Cụ thể, nếu được xây dựng thì trục Thăng Long sẽ song song với đường Láng- Hòa Lạc, như thế liệu có phù hợp? Hơn nữa, đã nói là quy hoạch thì phải đảm bảo ổn định. Từ năm 1981 đến nay, Hà Nội đã có 3 lần chỉnh sửa quy hoạch, tất cả đều là làm quy hoạch mới. Trong quá khứ, đã có lúc Xuân Hòa được quy hoạch để làm Trung tâm hành chính Thủ đô, rồi có làm được đâu?

Quốc hội  không phải quyết!

“Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo cho rằng Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không phải là văn bản trình Quốc hội quyết định, mà là trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh và phê duyệt. Như thế, Quốc hội chỉ đơn giản là “tư vấn”.

Những ý kiến đóng góp ở Thường vụ, hay trước toàn thể Quốc hội rồi cũng chỉ được bóc băng, gửi Chính phủ…”, đại biểu Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đưa ra một góc nhìn khác.

Ông Bình cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề an ninh, quốc phòng chưa được chú trọng trong Đồ án. Cùng với đó, vị trí Trung tâm hành chính mới tại Ba Vì và nguồn tài chính để thực hiện cũng rất thiếu cơ sở, vượt ra khỏi khả năng của ngân sách.

Thừa nhận trước Thường vụ Quốc hội rằng do Đồ án có quy mô lớn, Ban soạn thảo cũng chưa lấy hết ý kiến của các nhà khoa học, các hội nghề nghiệp. Ví như chuyện quy mô dân số, theo dự kiến thì tới đây Hà Nội sẽ siết chặt nhập cư, như thế, quy mô dân số sẽ là vấn đề lớn phải xem xét. Đồ án đưa ra mức dân số vùng lõi Thủ đô (tính từ vành đai 4 trở vào) là 7 đến 7,5 triệu người cũng cần cân nhắc cho phù hợp với phát triển hạ tầng.

Tổng mức đầu tư đến 90 tỷ USD
Giai đoạn đến năm 2020, Hà Nội đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung với tổng kinh phí khoảng 30,7 tỷ USD. Trong đó giao thông chiếm 56% tổng vốn đầu tư, tương ứng khoảng 20,4 tỷ USD.

Đến giai đoạn năm 2030, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung tăng thêm khoảng 28,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 12,9 tỷ USD. Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật tăng thêm khoảng 29,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 16,8 tỷ USD.

Theo GĐ&XH

Quá nhiều lo ngại quanh đồ án quy hoạch Hà Nội

Tại sao dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì? Sao đã có trục Láng – Hòa Lạc, quốc lộ 32 vẫn xây trục Thăng Long? Sao chọn liên danh tư vấn không tên tuổi?… Là những câu hỏi được đại biểu Quốc hội đặt ra tại buổi thảo luận tổ chiều 3/6.
Tán thành về cơ bản định hướng quy hoạch thủ đô Hà Nội vì không khác mấy so với quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận không đồng ý xây dựng trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì và trục Thăng Long.
“Với thể chế của chúng ta, Đảng ở đâu, Quốc hội, Chính phủ phải ở đấy. Mặt khác có ai đảm bảo vĩnh viễn Hà Nội và Hà Tây cũ là một. Đất Hà Nội cũ tuy chật, nhưng vẫn đủ rộng cho các cơ quan hành chính. Nếu Ba Đình không được thì có thể xây ở Mỹ Đình vì đây vẫn thuộc đất Thăng Long xưa”, ông Thuận nói.
Chủ nhiệm Thuận cung cấp thêm: “Khi tôi hỏi kinh nghiệm của Malaysia tách bạch trung tâm hành chính và chính trị họ nói phức tạp lắm. Hay Nam Phi khi tách rời cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, họ nói rất tốn kém vì phải di chuyển xa”.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Loan đặt câu hỏi: “Tại sao lại chọn một nơi quá xa như vậy? Có người nói sau năm 2050 sẽ có tàu điện ngầm, đi lại thuận tiện, nhưng tôi không tin. Ngay như khu công nghệ cao Hòa Lạc 12 năm nay vẫn chưa ra hình hài”.
Clip quy hoạch thủ đô Hà Nội năm 2030
Thẳng thắn đề nghị Chính phủ loại bỏ ý tưởng xây trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì ra khỏi đồ án quy hoạch, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nói: “Trung tâm chính trị, hành chính quốc gia phải ở Ba Đình. Tôi thấy có điều gì đó tự phát khi đặt các bộ ra khu Mỹ Đình, đi lại rất mệt”.
Bảo vệ ý tưởng của Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết việc xây trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì có ba cái lợi. Một là giãn dân cư hợp lý. Hai là hiện đại hóa công sở theo công nghệ hiện đại mới. Ba là giúp dân đến làm việc thuận tiện, không phải đi lại vòng vèo như hiện nay. Tuy nhiên, ông Hợp cũng cho rằng vẫn cần tính kỹ việc này.
Trục Thăng Long nối đường Hoàng Quốc Việt kéo dài với chân núi Ba Vì cũng được đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Thị Vân Yến cho rằng rất lãng phí, thậm chí vô lý khi xây dựng trục đường này vì nó chỉ cách trục đường Láng – Hòa Lạc có 4 km.
Đại biểu Phạm Thị Loan bình luận không bình thường khi đưa ra trục Thăng Long. “Dường như đất dọc trục này đã được quy hoạch thành dự án hết rồi, đưa vào giống như là để hợp thức hóa mà thôi. Tại sao không phát triển hướng Đông Anh hay Sóc Sơn, mà lại chọn trục nối với Ba Vì?”, bà Loan nghi ngờ.
Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á Phạm Thị Loan cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá đất ở khu Ba Vì đang gia tăng chóng mặt là việc quy hoạch trục Thăng Long quá đẹp, trong khi không thực sự cần thiết.
Dưới góc nhìn của nhà kinh doanh, Chủ tịch Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam Phương Hữu Việt lo lắng vấn đề bồi thường khi quy hoạch thủ đô mới khiến hơn 700 dự án đã được các cấp có thẩm quyền của Hà Nội và Hà Tây cũ phê duyệt, doanh nghiệp đã bỏ tiền ra làm, giờ buộc phải điều chỉnh. “Hãy xem dự xây khách sạn trong công viên Thống Nhất, giờ hủy bỏ người ta đòi bồi thường 80 triệu USD”, ông Việt dẫn chứng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn phản ánh doanh nghiệp kịch liệt phản đối hành lang xanh quy hoạch đưa ra. “Trước đây để làm đường Láng – Hòa Lạc, đường 70, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đổi đất cho doanh nghiệp làm đường. Giờ với quy hoạch mới, đất của họ vướng vào hành lang xanh, khu vực hạn chế phát triển”, ông Đàn giải thích.
Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, đại biểu xem sa bàn và thảo luận về quy hoạch thủ đô Hà Nội. Ảnh: PV.
Một số đại biểu băn khoăn về việc lựa chọn liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman của Mỹ, POSCO E&C và JINA của Hàn Quốc) thực hiện. “Quy hoạch thủ đô một nước lả rất khó, trên thế giới rất ít công ty dám đảm nhiệm. Hai công ty tư vấn cho ta trình độ chỉ ở mức độ, không phải là tên tuổi”, đại biểu Phương Hữu Việt thông tin.
Ông Việt cũng chỉ ra một dẫn chứng cho thấy năng lực dự báo của quốc tế có vấn đề. “Dự báo không sát với thực tế. Ví như dân số Hà Nội hiện nay trên 6,4 triệu người, đến năm 2020 mà chỉ tăng cơ học lên thành 7,1-7,4 triệu là không hợp lý. Cứ xem từ năm 1990 đến nay, dân số Hà Nội đã tăng như thế nào. Hiện cứ 10 sinh viên ra trường thì phải 9 em muốn ở Hà Nội làm việc”, ông Việt nói và đề nghị xem xét lại năng lực của liên danh tư vấn.
Chung băn khoăn này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đã chuyển một câu hỏi đến thành viên Chính phủ Lê Doãn Hợp rằng tại sao chọn công ty của Mỹ và Hàn Quốc. “Trên thế giới có 3 trường phái kiến trúc đô thị, đó là Pháp, Nga và Italia, vậy tại sao không chọn tư vấn của một trong ba trường phái trên. Nếu nói quy hoạch phải thể hiện được tính dân tộc, tính Á Đông thì Hàn Quốc không phải là đại diện của phương Đông”, ông Thuận nêu vấn đề.
Vì còn quá nhiều băn khoăn, các đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. “Đây là một cuộc cách mạng trong quy hoạch, với trách nhiệm to lớn trước dân, trước các thế hệ mai sau, chúng ta không thể vội vàng, cẩu thả”, đại biểu Nguyễn Phụ Đông nói. Ông Đông đề nghị Quốc hội phải ra luật về quy hoạch để quản lý chặt chẽ những quy hoạch đã được phê duyệt, khắc phục tính tùy tiện, tính nhiệm kỳ và đề phòng tác động của nhóm lợi ích đến quy hoạch.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 15/6.

Ba Vì xứng đáng là nơi xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia’

Bạn Đọc Viết:
* Bài viết của TS.Trần Tất Chủng, Chuyên gia về văn hóa vật chất, Viện dân tộc học
Ông Trần Tất Chủng. Ảnh: PV
Ba Vì là khu vực địa linh, có thế “Rồng cuốn, Hổ ngồi”, xứng đáng là nơi xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia và cả Trung tâm chính trị quốc gia. Lẽ dĩ nhiên vị trí cụ thể xây dựng các quần thể kiến trúc này phải được khảo sát và thẩm định cả bằng khoa học hiện đại và tính phong thủy (tri thức dân gian).
Là một người đã lâu năm làm việc trong lĩnh vực Dân tộc học (về văn hóa vật chất – rất hiếm ở Việt Nam và có dịp được học tập, làm việc cùng các giáo sư, viện sỹ có tên tuổi quốc tế và cùng phụ trách mảng thông tin tư liệu thư viện của một Viện khoa học đầu ngành nhiều năm nên tôi có cơ hội được tiếp cận với nhiều tài liệu của nhiều nước), đã đi dến các thủ đô và thành phố lớn ở các nước trên thế giới … tôi thấy phải có trách nhiệm bày tỏ ý kiến về Quy hoạch chung Hà Nội như sau:
1. Yêu cầu đặt ra là “Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô…” nên bắt buộc tập thể tác giả phải đề cập đến mọi vấn đề. Nếu trong 5 thập kỷ tới thủ đô Hà Nội xây dựng được như bản đồ án này thì rất đáng tự hào.
Nhiều người cho rằng đồ án đề cập quá nhiều vấn đề, xây dựng theo đề án thì lấy đâu ra nguồn vốn lớn thế. Song ở đây chủ trương huy động vốn là trách nhiệm của Chính phủ phải có nhiều giải pháp, cơ chế để thu hút được nguồn vốn tối đa và sử dụng hữu ích, hiệu quả nhất.
Đồ án nêu định hướng lâu dài dự trữ để sau năm 2050 xây dựng đô thị hành chính tại Ba Vì. Đây là một phần mà tôi cho là hay nhất của đồ án vì 2 lý do:
– Nếu không quy hoạch thì quỹ đất này sẽ được cấp cho các dự án khác xây dựng các công trình ở các cấp độ thấp hơn. Nếu có thu hồi được thì cũng sẽ khó khăn, tốn kém cho việc đền bù và di dời…
– Đây là khu vực theo tôi mới là địa linh, có thế “Rồng cuốn, Hổ ngồi”, xứng đáng là nơi xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia và cả Trung tâm chính trị quốc gia. Lẽ dĩ nhiên vị trí cụ thể xây dựng các quần thể kiến trúc này phải được khảo sát và thẩm định cả bằng khoa học hiện đại và tính phong thủy (tri thức dân gian).
Bộ Xây Dựng nên đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để Uỷ ban KHCN và Môi trường của Quốc hội chủ trì tập hợp các chuyên gia của Bộ Xây Dựng và UBKHXH… lập ngay dự án khảo sát khu vực này. Không phải là định hướng lâu dài mà cần làm ngay.
Theo tôi, Trung tâm hành chính Quốc gia đặt ở Mỹ Đình là không hợp lý, nó chỉ đáp ứng yêu cầu của 20 năm là sẽ lại lạc hậu, bất cập như úng ngập, tắc đường và chưa kể đến yếu tố văn hóa, tâm linh.
Cần đặt câu hỏi rằng địa linh ở đâu, 1000 năm qua ở đất Thăng Long có những bậc đế vương nào xuất hiện, vận nước thế nào? Dân tộc chúng ta trong một ngàn năm qua đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, chiến thắng được nhiều giặc ngoại xâm. Người dân đã phải chịu đựng nhiều khổ cực, chiến tranh triền miên từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Vì sao vậy?
Bây giờ là cơ hội để chúng ta đang là lớp con cháu phải có trách nhiệm góp ý cho Chính phủ, Quốc hội sáng suốt lựa chọn vị trí cho Trung tâm Hành chính mới để đất nước mãi được an bình, không phải lo chống đỡ với chiến tranh nữa, dân tình yên ổn làm ăn, đóng góp công sức làm giàu cho đất nước và bản thân.
Đó là lý do mà tôi đề xuất cần xem xét ngay việc xây dựng trung tâm chính trị, hành chính quốc gia ở đâu là phù hợp, đáp ứng được cả 2 yếu tố trên, tránh sai sót, lãng phí.
Ông Lý Công Uẩn sáng suốt, quyết đoán khi có chiếu dời đô từ Hoa Lư – Ninh Bình đến Thăng Long (Hà Nội) ngày nay. Phải nói rằng Ngài đã có tầm nhìn gần một thiên niên kỷ (để so sánh với quy hoạch tầm nhìn đến 2050 của chúng ta), chính xác hơn trong 990 năm nghĩa là cách đây 10 năm Hà Nội xét về nhiều mặt đều ổn định.
Tuy nhiên trong 10 năm trở lại đây không chỉ chính quyền thành phố mà cả Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng phải đối mặt với những bài toán hóc búa của Hà Nội như tăng dân số cơ học (dân nội đô với mật độ lớn nhất, đất đai đắt đỏ vào loại nhất hành tinh). Nạn tắc đường, ngập lụt trong thành phố ngày càng trầm trọng dù đã di dân, làm mới nhiều con đường, đường ngầm (thời gian thi công lâu, chi phí xây dựng cũng đắt vào loại nhất hành tinh) xong cũng không thể là lời giải hữu hiệu.
Thời gian qua, Chính phủ phải cho phép áp dụng chế tài đặc biệt đối với người vi phạm luật giao thông, hạn chế nhập cư… Tất cả những giải pháp đó là biểu hiện của sự chống đỡ thụ động với tập quán cư trú , sinh hoạt và đi lại của người dân, không bao giờ là lời giải đúng.
Người dân chúng tôi luôn mong muốn Hà Nội phải giải quyết được những vấn nạn trên. Muốn có được, chính quyền thành phố chắc chắn phải thay đổi cách quản lý đang manh mún và còn nhiều bất cập. Tôi hiểu rằng, thủ đô của một nước đang phát triển, nếu muốn phát triển bền vững, muốn cầu thị ở sự tiến bộ thì không thể để tình trạng bộ mặt nhếch nhác, phát triển không kiểm soát như hiện nay. Vì nếu cứ mãi tình trạng này, Hà Nội sẽ không bao giờ thay đổi, không bao giờ khắc phục được những tồn tại của nó. Nguyên nhân thì có nhiều: Do năng lực cán bộ quản lý, do tệ nạn tham nhũng, do thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân… Vì vậy, trách nhiệm của Chính quyền thành phố sẽ là rất lớn.
Trở lại vấn đề khi xây dựng được trục Thăng Long – Hồ Tây – Ba Vì tốt sẽ không chỉ góp phần đắc lực giải quyết về bài toán giao thông lâu dài cho Hà Nội mở rộng mà gián tiếp kéo dân nội thành ra một cách hữu hiệu, tạo bước ngoặt trong phát triển kinh tế, văn hóa không riêng khu vực Ba Vì mà còn có cơ hội làm cho bộ mặt của Hà Nội có những nét văn hóa đặc trưng.
Vì thuyết minh của đồ án chưa thật thuyết phục nên có một số ý kiến phân vân. Tôi cho rằng đồ án cần nói thẳng ra rằng ở Hà Nội không có một trục đường, một tuyến phố nào mà nhà cửa được xây dựng theo quy hoạch kiến trúc, “không có văn hóa Thăng Long Hà Nội nào” được thể hiện cả mà tất cả chỉ là theo sở thích cá nhân hay nói đúng ra vai trò của kiến trúc không được tôn trọng trong quy hoạch (hay trong xây dựng).
Vì vậy trên trục đường Thăng Long – Ba Vì này, Bộ Xây dựng cần kiên quyết đưa vai trò quy hoạch kiến trúc vào xây dựng làm mẫu để Hà Nội sau 1000 năm có được một trục đường mang bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội vừa dân tộc, vừa hiện đại. Cụ thể, theo tôi trục đường cần có chiều rộng khoảng 360m, trong đó phần dành cho hai làn đường là 140 m. Mỗi bên dành cho 2 khối xây dựng theo kiến trúc khác nhau. Phía nam sẽ dành cho khối mặt đường 60m để khu ngoại giao đoàn theo các diện tích phù hợp với từng nước. Như vậy, trải dài trên trục đường sẽ có một bức tranh tuyệt đẹp phô diễn sắc thái văn hóa và các trường phái kiến trúc khác nhau của bốn phương. Phía sau còn quỹ đất chiều sâu 50m sẽ chia lô đấu thầu để xây dựng các biệt thự. Phía Bắc sẽ dành khối mặt đường xây dựng các khu cao tầng như công sở, văn phòng, ngân hàng, khách sạn lớn … mặt sau là khối chung cư, đền bù tái định cư mà vốn đầu tư lấy từ đấu thầu khu biệt thự.
Như vậy khi 2 vấn đề : Xác định vị trí Trung tâm hành chính quốc gia và trục Thăng Long – Ba Vì sẽ tạo ra một cú hích cho phát triển kinh tế – xã hội không chỉ khu vực Ba Vì mà còn cả khu vực Hà Nội mở rộng – đáp ứng đúng quyết định sáng suốt của quốc hội về việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội. Đây sẽ là một trục đường kiểu mẫu mang bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội mới.
TS.Trần Tất Chủng

Kinh phí xây hạ tầng của Hà Nội khoảng 60 tỷ USD

Báo cáo về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ trình Quốc hội nêu rõ, tổng kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung từ 2010-2030 ước khoảng 60 tỷ USD, trong đó giao thông là 33,3 tỷ USD.
Trình bày báo cáo trước Quốc hội sáng 2/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, tầm nhìn xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại, có 10 chiến lược được thực hiện, trong đó quan trọng nhất là tăng cường bản sắc, hình ảnh riêng về Thủ đô bằng cách thiết lập các trục không gian “mặt nước,” “cây xanh” và “văn hóa,” phấn đấu tối thiểu 70% diện tích mở rộng của thành phố dành cho không gian mở.
Theo phân bổ không gian, Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị trung tâm hạt nhân kết nối với 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn khác thuộc khu vực nông thôn. Đô thị trung tâm hạt nhân được giới hạn từ Nam sông Hồng đến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng có khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm-Yên Viên và Long Biên. Đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên-Phú Minh và Sóc Sơn.
Các trục hướng tâm của thành phố gồm các trục không gian hướng Đông Tây; Bắc Nam và các trục cảnh quan dọc các sông lớn. Trục hướng Đông Tây có trục Thăng Long, trục quốc lộ 32, trục Láng-Hòa Lạc, trục quốc lộ 6.
Các trục không gian Bắc Nam có trục quốc lộ 3, trục quốc lộ 1A, quốc lộ 1 mới, trục Nhật Tân-Nội Bài. Trục không gian Đông Bắc có trục quốc lộ 5 nối đường Nguyễn Văn Cừ qua trung tâm quận Long Biên…sẽ hình thành các cụm tổ hợp công trình phục vụ công cộng, văn phòng theo hướng kiến trúc hiện đại, tạo điểm nhấn đô thị.
Báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ trình Quốc hội khẳng định rõ, vị trí trung tâm chính trị quốc gia vẫn được xác định tại quận Ba Đình. Trụ sở các bộ, ngành tập trung tại 4 quận nội thành Hà Nội cũ hiện không đáp ứng được nhu cầu nên một số bộ, ngành đã và đang xây dựng trụ sở tại Mễ Trì-Mỹ Đình, Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục quy hoạch chọn địa điểm để đưa một số bộ, ngành nữa ra ngoài khu vực nội đô.
Quy hoạch này cũng đã dành khu đất dự trữ tại Ba Vì để trong tương lai, sau năm 2050 xây dựng các cơ quan Chính phủ.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển nhà ở của Thủ đô tại các khu đô thị mới hoặc đô thị vệ tinh, xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia và tiến tới hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng các mức thu nhập của người dân, giảm tải trực tiếp cho đô thị trung tâm.
Quy hoạch cũng thiết lập các hạng mục cho giao thông nội đô với việc xây dựng mới 8 tuyến đường sắt đô thị, kéo dài kết nối với các đô thị vệ tinh; quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, vườn hoa, xây dựng các gara cao tầng trong các tổ hợp công trình quy mô lớn.
Cũng theo báo cáo này, trong phân kỳ thực hiện, từ 2010-2020, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4, tuyến Láng-Hòa Lạc, quốc lộ 32, tuyến Nhật Tân-Nội Bài, Thăng Long-Nội Bài… xây dựng mạng lưới giao thông công cộng.
Theo quy hoạch của Chính phủ, đối với 750 đồ án, dự án trên địa bàn Hà Nội nếu phù hợp với Quy hoạch chung sẽ tiếp tục thực hiện nhưng cần rà soát để đảm bảo khớp nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Những đồ án, dự án không phù hợp sẽ được chuyển đổi chức năng sử dụng đất. Những đồ án, dự án nằm trong khu vực không được phép xây dựng, hạn chế xây dựng như khu vực vành đai xanh sông Nhuệ sẽ có biện pháp chuyển đổi chức năng sử dụng đất hoặc di dời đến vị trí khác.
Báo cáo ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa thực trạng công tác quy hoạch và tình hình thực hiện các quy hoạch đã có, thực trạng kinh tế-xã hội ở các vùng nông thôn của Hà Nội, Hà Tây cũ và các địa giới trước khi sáp nhập, thực trạng môi trường và một số nội dung liên quan khác để có thêm cơ sở cho các định hướng quy hoạch và tổ chức giới thiệu, lấy ý kiến của nhân dân ở một số khu vực khác.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ và cụ thể hơn nữa trong đồ án “tính Hà Nội,” làm nổi bật định hướng bảo tồn bản sắc các vùng, khu vực trong Thủ đô (khu vực Thăng Long cổ, vùng phía Tây của Hà Nội…).
Cũng trong sáng 2/6, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

(Theo Vietnam+)