Category Archives: Quan Hệ Nhà Chồng

Làm dâu khổ quá đi thôi !


Từ ngày con trai lấy vợ, bà Hòa ít phải xách làn đi chợ hẳn. Một năm sau, mọi việc trong nhà đều do con dâu quán xuyến. Nhiệm vụ chính của bà là phải sống vui, sống khỏe, sống có ích! Những thứ vặt vãnh như cơm nước, chợ búa, tay hòm chìa khóa trong nhà, bà cứ để con lo, Yến, con dâu bà Hòa ra tuyên ngôn. Con trai bà cười mãn nguyện: “Mẹ khổ vì con nhiều rồi, giờ là lúc chúng con được báo hiếu mẹ”.

Hàng ngày, bà Hòa dậy từ 3 giờ sáng, thao thức, trằn trọc mãi trên giường, chờ tới 5 giờ để được đi ra hồ tập dưỡng sinh. Hồi đầu, thấy ngứa ngáy chân tay, bà lọ mọ đi quét nhà, mong được đỡ đần cho vợ chồng con trai. Chúng nó đi làm cả ngày, về lại phải cơm bưng nước rót cho bà, nghĩ cũng tội. Ngờ đâu đúng lúc Yến đi xuống bếp uống nước. Cô nhìn bà cầm chổi quét nhà như nhìn mụ phù thủy cưỡi trên cán chổi vậy. Yến nói nhỏ nhưng rành mạch, dứt khoát: “Mẹ dậy sớm quét nhà thế này, nhỡ ngã ra đấy thì phải tội bọn con. Ba cái việc lặt vặt, con làm loáng cái là xong, không dám phiền đến mẹ!”. Cái chổi trong tay bà Hòa đột ngột rơi vào tay Yến rồi trở về vị trí của nó, ngay sau cánh cửa ra vào. Chẳng nói được câu nào, bà Hòa đành quay về phòng, lại nằm chờ trời sáng.

Mỗi lần tập dưỡng sinh xong, bà Hòa thường tìm cách lân la sang nhà hàng xóm chơi, mãi đến giờ ăn cơm mới chịu đứng dậy ra về. “Sướng nhất bà!”, những người bạn già tấm tắc khen bà Hòa mát tay, có được cô con dâu vừa tháo vát vừa thảo hiền. Khối người trong cái khu phố này, 70 – 80 tuổi cũng vẫn còn phải lọ mọ hầu các con. Nghỉ tay ra là chúng nó mát mẻ nọ kia, bê bát cơm lên miệng mà nghẹn đắng, không nuốt nổi. Đâu có ai được như bà Hòa, cơm bưng nước rót ngày ba bữa. Chợ búa không phải nghĩ. Cháu bé thì đã có người giúp việc, cũng chẳng bận đến tay bà. Chỉ tội ông Hòa ngắn số, 50 tuổi đã mất, không được hưởng những ngày an nhàn với sự hầu hạ tuyệt đối của con dâu đảm.

Hàng xóm khen thế thì biết thế, bà Hòa chỉ còn cách cười trừ. Nhìn quanh nhìn quẩn, đúng là không ai được như bà thật. Ngay bên cạnh, có bà Tư, thỉnh thoảng lại thấy mắt đỏ hoe, chạy sang kể tội con dâu lườm nguýt khi bà muốn ăn cháo thay vì ăn cơm nguội mỗi sáng. ở cuối phố thì có ông Hoạt, nhiều hôm bị con dâu cầm chổi đuổi ra khỏi nhà, ông chỉ biết gào lên: “Tao về tao mách con trai tao”. Gào thế cho đỡ bức xúc, chứ đố dám hé môi với con trai, vì ông biết con dâu ông là người kiếm tiền chính trong nhà.

Chẳng hiểu sao, mấy năm trở lại đây, bà Hòa sút cân trông thấy. Giọng nói miền biển của bà không còn sang sảng như trước kia, nhiều khi phải ghé tai vào mới hiểu bà đang nói gì. Trước kia hăng hái góp chuyện là thế, giờ chỉ thấy bà ngồi im lặng, nghe mọi người kể khổ. Trong lòng bà có nỗi trống vắng không chịu nổi, nhưng bà biết nếu như bà nói ra, các bạn già sẽ cho rằng bà là người không biết điều, sướng cũng chẳng biết đường mà sướng. Những đêm không ngủ được, bà Hòa nằm nói chuyện một mình. Bà thích tâm sự như thế với người chồng đã mất. Từ ngày ông bỏ bà lại một mình trên dương gian, bà đã tìm cách khỏa lấp nỗi trống vắng bằng việc chăm chút con trai từng li từng tí. Bà làm việc suốt ngày, tối đến đặt lưng là ngủ, thanh thản. Sao giờ chẳng phải làm gì thì bà lại không ngủ được. Bà thèm nói chuyện với con trai, nhưng con trai giờ đã ngăn cách bà không chỉ bằng một bức tường, mà bằng cả cái tổ ấm mới của nó nữa. Con trai vẫn tự hào về người vợ giỏi việc nước, đảm việc nhà của mình, nên nó không hiểu cho nỗi khổ của mẹ. Bà Hòa thấy mình như người thừa, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Cháu cũng chẳng dám bế, vì nhìn vào mắt Yến, bà hiểu, cô sợ tay bà yếu, làm rơi mất cháu. Nhiều khi muốn ôm hôn cháu một tí, nhưng biết Yến sợ mất vệ sinh, người lớn hôn vào má trẻ con là truyền bệnh cho trẻ con, bà Hòa lại thôi.

Tiếng thở dài cứ thế nén vào trong. Để đêm đêm, bà Hòa thủ thỉ một mình: “Tôi ăn sung mặc sướng thế này, mà sao tôi thấy mình khổ quá ông ạ. Tôi thấy mình như người thừa, chẳng giúp ích được gì cho con cháu cả. Giá như một ngày chỉ có 12 tiếng thôi, cho nó đỡ dài”.

Theo Đời sống & Pháp luật

Nàng dâu và cái Tết nhà chồng

Con dâu lo Tết cho nhà chồng, chuyện tưởng như không có gì đáng nói nhưng cũng ẩn chứa không ít điều về cách sống, cách ứng xử trong gia đình.

Không chỉ những cô gái mới chân ướt chân ráo bước về nhà chồng, “vập” vào cái tết đầu tiên đầy bỡ ngỡ, mà cả những người đi làm dâu nhiều năm vẫn không tránh khỏi những lúc phải suy nghĩ. Một cô gái đã kể, năm ngoái, mới cưới được hơn một tháng là đến tết. Vì là dâu mới nên cô được… ưu tiên thể hiện hết mình khả năng quán xuyên nhà cửa, trong khi mẹ chồng phụ giúp và em chồng thì có nhiệm vụ… quan sát, nhận xét, đánh giá công việc và cả óc thẩm mỹ của cô thông qua việc mua sắm, chọn lựa những vật dụng và đồ trang trí trong nhà. Càng bỡ ngỡ hơn khi cô được giao “trọng trách” đi sắm Tết. Cô cẩn thận hỏi mẹ chồng và các thành viên trong gia đình xem cần phải sắm những gì cho phù hợp với tục lệ, nhưng cô đều nhận được câu trả lời chung chung dạng: “Tết ở đâu cũng như nhau”, “Tuỳ ý chị”, “Thấy gì phù hợp thì mua”… Quay ra hỏi nhỏ chồng nhưng chồng cũng … lắc đầu không biết vì chưa phải đi sắm Tết bao giờ! Thế là cô phải đi chợ với một tâm trạng đầy thấp thỏm lo âu. Cô cũng đã từng đưa mẹ đẻ đi sắm Tết bao nhiêu lần, nhưng phần lớn là đứng để mẹ mua, cô cũng không để ý xem mẹ mua những gì, mua như thế nào. Rồi việc đối mặt với việc làm mâm cỗ cúng gia tiên mà cô thì thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng chỉ còn cách thú thật với mẹ chồng. Mẹ chồng bảo sẽ từ từ hướng dẫn cho cô biết làm tất cả mọi thứ và cô tự tin rằng đảm bảo Tết năm nay cô có thể tự tay làm thành thục những việc chuẩn bị cho ngày Tết.
Một cô gái khác vừa về nhà chồng thì lo ngại, nhà chồng đông anh em. Riêng việc mua quà tết biếu từng anh chị, sắm sửa quần áo cho mấy đứa cháu nhỏ cũng khiến cô mệt bở hơi tai. Chưa kể đến việc phải dọn nhà, phải đi chợ, rồi làm cơm, chào hỏi họ hàng. Khi cảm giác “lạ nhà” vẫn còn ngự trị trong con người cô thì cái nghĩa vụ làm dâu trước thềm năm mới đã bắt đầu. Cô cũng được bố mẹ chồng phân công “đạo diễn” chuyện bếp núc ngày Tết, lo quà cáp để bố mẹ chồng đi “ngoại giao”. Dâu mới nên cô cũng muốn thể hiện, ít ra là sự chăm chỉ, khéo léo, đảm đang nhưng còn chưa thuộc, chuyện sắm tết chưa biết bắt đầu từ đâu, chồng thì cũng không biết làm thế nào nên cô luôn trong tâm trạng mệt mỏi.
Không chỉ những người mới đi làm dâu, có những người đã có mấy năm làm quen với nếp sống nhà chồng nhiều lúc cũng vẫn rơi vào bế tắc với cái chuyện tết ở nhà chồng. Một chị kể, chị đã sống với bố mẹ chồng mấy năm, nhưng cái cảm giác “chưa quen” dường như vẫn còn nguyên vẹn trong chị mỗi dịp tết về. Đi chợ thì không khó, nhưng vẫn không biết mua gì cho các món ăn ngày tết phù hợp với khẩu vị, thói quen thưởng thức của mọi người. Rồi việc chuẩn bị quà để bố mẹ đi thăm họ hàng, người thân làm sao để vừa đủ, không quá hoang phí mà không bị chê là quá tính toán. Tuy bố mẹ chồng chị không năm nào có ý kiến gì khiến chị phật ý, nhưng cái cảm giác lo ngại vẫn cứ ngự trị trong chị bởi phận làm dâu phải chu toàn mọi việc, đặc biệt chuyện bếp núc cho những ngày vui xuân đón Tết là lẽ đương nhiên.
Nhiều nhà tâm lý đã đưa ra lời khuyên dành cho các cô dâu là khi về nhà chồng phải tìm hiểu kĩ về phong tục nhà chồng, đặc biệt là phong tục trong dịp Tết. Nhưng quan trọng hơn là phải tạo được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình nhà chồng. Có như vậy mới không cảm thấy bỡ ngỡ, ngại ngùng và e dè. Đồng thời, những người con dâu cũng nên học hỏi, tìm hiểu để hiểu về Tết và chuyện bếp núc, ứng xử với họ hàng, làng xóm… Có những người mẹ chồng ngay khi con dâu về đã nói: “Con là dâu, sẽ vất vả để có thể gánh vác khi nhà có giỗ, tết, nên phải cố gắng rất nhiều. Việc nhà, việc họ thì cũng chẳng đến nỗi to tát quá, nhưng vẫn cần đến cái tâm để thu vén. Đi phải thưa, về phải chào. Không biết gì phải hỏi…”. Và cô dâu cũng vui với việc ấy, biết nên định liệu thế nào cho phải.

Theo KTĐT