Category Archives: Quan Hệ Mẹ Chồng Nàng Dâu

Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu: “Có đi có lại mới toại lòng nhau"

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết, tôi năm nay cũng theo chồng về quê ăn Tết. Chuyện đó với tôi không cò gì nặng nề, hay căng thẳng cả. Tôi chỉ muốn viết bài để đồng tình với những bạn như Chuột Đồng hay Ngọc để mong Mr. Hoàn Hảo có suy nghĩ khác, hay cái nhìn đúng hơn mà thôi

Đúng là Mr. Hoàn Hảo!!! Cái gì đã đạt đến độ Hoàn hảo có nghĩa là đang đi trên đà xuống dốc, có lẽ cũng đúng, chứ không sai lắm, Mr. Hoàn Hảo nhỉ? Tôi đọc khá nhiều lời bình luận, cũng như bài viết của anh, và thấy anh nhìn đời khá cao ngạo. Anh nhận xét chị em phụ nữ rất 1 phía. Nếu cứ xét theo suy nghĩ của anh, và cách anh tự nhận anh là Hoàn hảo, thì chắc chồng tôi cực kỳ hoàn hảo, vì anh ấy biết nghĩ cho cả 2 phía anh ạ.

Chuột Đồng nói đúng, anh có đọc kỹ từng hoàn cảnh không mà lại phê phán chị em phụ nữ như vậy? Anh có thấy là chỉ những chị em nào có điều kiện sống quá khắc nghiệt mới lên diễn đàn kêu ca về mẹ chồng, hay quan hệ với nhà chồng không? Còn rất nhiều người như chúng tôi, mẹ chồng tâm lý và hiểu lẽ sống, chúng tôi chẳng bao giờ phải lăn tăn chuyện đó cả. Và vợ anh Văn Phạm không thể là tấm guơng cho chị em chúng tôi noi theo anh ạ vì chị ấy có 1 gia đình khiếm khuyết, cớ sao chúng tôi phải bỏ mặc nhà đẻ của mình để lo cho nhà chồng như chị ấy?

“Trai lo nhà vợ, gái lo nhà chồng” là điều đầu tiên mà chồng tôi thủ thỉ với tôi để thống nhất quan điểm sống. Tôi không có gì phải phản đối, vì anh rất quan tâm đến bố mẹ tôi, hòa nhã với các cô dì chú bác, anh chị em nhà vợ. Anh được cả nhà tôi yêu quý. Và tôi cũng học anh mà sống vậy với nhà chồng. Mẹ chồng tôi, chẳng có chuyện gì là không kể cho con dâu nghe, con chưa kịp gọi về cho mẹ thị mẹ gọi lên cho con, kể từ chuyện đi chợ thấy cái gì hay, đến chuyện mẹ đang buồn cái gì….. Để có được mối quan hệ đó không khó, vì tôi tự dặn mình phải sống bằng tấm lòng. Nhưng dĩ nhiên tôi không thể làm tốt điều đó nếu mẹ chồng tôi không là đồng minh đắc lực cho tôi.

Anh nghĩ sao khi anh về biếu quà bố mẹ vợ mà ông bà khinh khỉnh quay đi hoặc chê bai dè bỉu? Anh nghĩ sao khi anh niềm nở nhưng nhà vợ lại coi là lố lăng, vớ vẩn….. Anh cần đặt mình vào địa vị của các chị em mà nghĩ. Đừng đứng trên phương diện của các ông chồng mà suy xét. Tôi cũng đã từng nói với chồng tôi “phụ nữ nhiều khi không cần chồng hoa mỹ, lãng mạn như phim Hàn. Nhưng chỉ cần anh nắm tay em qua đường, hay hỏi em có mệt không, hoặc quan tâm đến gia đình em, thì người vợ nào cũng sẵn sàng nhảy vào lửa vì chồng”.

Các cụ nói “có đi có lại mới tọai lòng nhau”. Một mẹ chồng yêu thương con dâu, thì con dâu chả có lý gì để nói xấu mẹ chồng. Dĩ nhiên tôi không dám nói đến những bộ phận con dâu sống thực dụng và ích kỷ, mẹ chồng chả làm gì cũng “ngứa mắt” – thành phần đó thì miễn bàn.

Còn với chúng tôi, và rất nhiều người như chúng tôi, mẹ chồng hay mẹ đẻ đều như nhau. Đến mẹ và con gái còn có xích mích, thì tránh sao được mẹ chồng con dâu hiểu lầm. Nhưng không phải ai cũng là người vợ tồi như anh nhận xét đâu. Anh làm chúng tôi thấy rất khó chịu. Khó chịu không phải vì cách anh đưa bài bình luận lên, mà từ cách anh so sánh – cái cách so sánh mà bé nào đi học Tập làm văn rồi sẽ thấy anh không được học bài “So sánh là gì”.

Hy vọng sau này sẽ nhận được bài viết 1 cách khách quan của anh.

Một lần nữa, tôi xin phép thay mặt cho các chị em phụ nữ để phản đối chuyện học tập vợ anh Văn Pham trong việc cư xử. Chị ấy không thể là tấm gương cho chúng tôi được, Mr. Hòan Hảo ạ.

Khi chồng quá nghe lời mẹ


  
Bao giờ nói chuyện với vợ, anh Tuấn cũng mở đầu bằng điệp khúc: Mẹ bảo thế này…, mẹ bảo thế kia…… Dần dần chị Vân cảm thấy khó chịu vì trong mắt anh chỉ có mẹ mà thôi.
Những người chồng trẻ như vậy không hiếm giữa thời buổi hiện nay khi mà họ đều được chiều chuộng và tôn thờ mẹ mình ngay từ nhỏ. Khi trưởng thành và lập gia đình riêng, họ vẫn giữ lấy suy nghĩ mẹ là nhất và phải tuyệt đối nghe lời mẹ. Đơn giản chỉ là cách ăn mặc, lựa chọn đồ dùng vật dụng trong nhà, rồi sau đó là cung cách sinh hoạt…..Tình trạng đó khiến người phụ nữ cảm thấy rầu lòng. “ Mình không o ép hay phản đối gì chuyện anh ấy gần gũi và quan tâm đến mẹ nhưng anh ấy cũng cần phải biết đến vợ con và nhiều mối quan tâm khác nữa. Mỗi khi vợ chồng bàn bạc điều gì, anh ấy đều gọi điện và làm theo lời mẹ nói, còn mình thì…dẫu có đúng đến đâu cũng phải chịu về nhì.”- Chị Mai (Long Biên) tâm sự.
Quen làm theo ý mẹ nên nhiều ông chồng coi mẹ là tượng đài vững chắc. “Mẹ tôi nói thì không thể sai được. Tôi đã chiêm nghiệm cả rồi, từ nhỏ tôi đều nghe theo lời mẹ và chưa bao giờ thấy sai cả ”- Anh Quân ( Ba Đình) trả lời khi được hỏi về mẹ của mình.
Khi đã có một tổ ấm riêng, người phụ nào cũng muốn mình được chồng yêu thương và tôn trọng. Tôn trọng trong cả cách suy nghĩ và quan điểm của vợ. Nhưng vốn “chỉ biết đến mẹ” nên nhiều ông xã đã vô tình bỏ qua nỗi bức xúc của bà xã.
    Vợ chồng anh Tuấn chị Vân (Tây Hồ) đã bàn bạc với nhau về kiểu dáng của bộ bàn ghế sắp mua nhưng khi ôtô chở hàng đậu ở cửa, chị Vân mới ngã ngửa – một bộ bàn ghế gụ kiểu cổ màu nâu xám chứ không phải bộ salông màu đỏ trẻ trung như dự định. Anh Tuấn thấy bộ bàn ghế được chở đến vội vàng đỡ lời “ Hôm qua anh tham khảo ý kiến, mẹ bảo nên dùng bộ bàn ghế kiểu dáng và màu sắc này cho căn nhà thêm sang trọng  cổ kính, anh quên mất chưa bảo em. Thôi mình cứ theo lời mẹ mà làm. Các cụ dạy không sai bao giờ đâu”.
Cơn tức giận đã lên đến đỉnh điểm, chị Vân nghẹn ngào hét lên trong nước mắt “ Tại sao anh lại thiếu tôn trọng em đến thế? Hai vợ chồng đã quyết định, vậy mà chỉ bằng một câu nói của mẹ, anh sẵn sàng thay đổi. Lúc nào cũng mẹ, mẹ và mẹ…..anh có còn vợ con nữa hay không vậy. Mẹ có ở cùng chúng ta đâu,  anh nghe lời mẹ một cách tuyệt đối  để làm gì?. Mình cũng phải có tự do và sở thích riêng chứ”. 


    Nghe vợ than thở, anh Tuấn đứng chết lặng giữa nhà.  Đối với anh, mẹ là tất cả và anh chỉ nghĩ đơn giản mình phải có nghĩa vụ đáp lại tình yêu thương bằng việc tôn trọng ý kiến của mẹ. Lẽ tất yếu, Vân cũng phải kính trọng yêu thương và nghe theo những gì mà mẹ muốn làm. Anh không hề ngờ được phản ứng ấy của vợ mình.


    Quả thực, mỗi lần nói chuyện với vợ, anh Tuấn cũng mở đầu bằng điệp khúc: Mẹ anh bảo thế này…, mẹ anh bảo thế kia….Dần dần chị Vân cảm thấy khó chịu vì trong mắt anh chỉ có mẹ mà thôi.
Các chị em khi kết hôn đều mong tìm được cho mình một chỗ dựa vững chắc, một sự thoải mái về tinh thần nên khi gặp phải người chồng không có chính kiến riêng, không có khả năng tự quyết thì vô cùng thất vọng.    
Người phụ nữ cần một tổ ấm nơi hai vợ chồng có khoảng trời bí mật chỉ hai người mới biết, nơi có thể sẻ chia mọi khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. 


   Những bà mẹ có thói quen và sở thích kiểm soát con  phần đông  đều muốn chiểm hữu con thành tài sản riêng của mình. Họ rất sợ con dâu sẽ cướp mất con trai hay tạo khoảng cách ngăn trở tình cảm mẹ con nên mọi hành động của con dâu đều được đưa vào “tầm ngắm”. Còn các đức ông chồng, họ thường vì kính trọng và nghe lời mẹ một cách thái quá mà không đoái hoài đến cảm nhận của người vợ.
Chị Hằng (Đống Đa) để tìm hiểu kỹ hơn về mẹ chồng (bà Hà) đã tìm mọi cách để gần gũi, thủ thỉ  những mẩu chuyện xung quanh việc chăm sóc chồng cho được tốt. Hằng hỏi ý kiến mẹ từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Dần dần, bà Hà đã cảm thấy mình có một đồng minh chứ không phải là một người tới cướp con mình mang đi. 


   Vẻ mặt tươi cười, Hằng cho biết: “Không có việc gì khó… Tất cả hãy giải quyết bằng sự thông cảm, thấu hiểu nhau, từ tình yêu thương. Rồi thì cũng sẽ vượt qua”.


  Theo các chuyên gia tâm lý, người chồng nên cư xử tế nhị, khéo léo, biết điều phối giữa tình và hiếu: Không thể vì tình cảm với vợ mà bớt hiếu thảo, trách nhiệm với mẹ và ngược lại, không nhất thiết lúc nào cũng một mực theo ý kiến của thân mẫu mà không cân nhắc đúng sai, bỏ ngoài tai tâm tư của vợ. Nếu làm được vậy thì gia đình mới hoà bình, không có chuyện “chiến tranh lạnh” hay “bằng mặt nhưng không bằng lòng” giữa mẹ chồng và nàng dâu.
 
TH

10 mẹo "thu phục" mẹ chồng

Trong thời hiện đại, mẹ chồng đã tân tiến và thoáng hơn rất nhiều. Vì thế, bất kỳ cô con dâu nào cũng có thể trở thành “bạn thân” của bà nếu biết cách cư xử.
 3 chiêu dành cho cô dâu tương lai
Chiêu 1: Không ít trường hợp mẹ chồng ghét con dâu vì bà chưa muốn con trai lấy vợ. Bạn nên “bỏ nhỏ” người yêu để anh ấy trình bày với bố mẹ về ý định lập gia đình.
Nếu biết con trai thích lấy vợ vì muốn có nàng dâu chăm sóc bố mẹ già, có cháu để ông bà vui, hẳn mẹ chồng sẽ vui lòng.
Chiêu 2: Người yêu nên “khoe” ưu điểm của bạn với mẹ chàng. Đồng thời, bạn nên tìm hiểu tâm lý mẹ chồng và các thành viên trong gia đình chàng. Điều này giúp bạn tránh sự cố bất đồng trong lần đầu hiện kiến.
Chiêu 3: Những lần đến nhà chàng, hãy ăn mặc sao cho “hợp nhãn” mẹ chồng tương lai. Nếu bà ưa con dâu nền nã, chớ mặc áo hở rốn, váy quá ngắn. Muốn thế, bạn phải hỏi “gián điệp” về gu thẩm mỹ của mẹ chồng.
7 chiêu sau khi đã lên xe hoa về nhà chồng
Chiêu 4: Trước khi làm bất cứ việc gì, bạn nên hỏi ý kiến mẹ chồng. Nếu bà không đồng ý, nên tạm gác lại, chờ cơ hội để thuyết phục bà. Đó là cách tôn trọng mẹ chồng hữu hiệu nhất.
Chiêu 5: Không góp ý về nếp sống, thói quen của gia đình chồng hoặc cố gắng “cải tạo” theo ý mình. Tuyệt đối tránh so sánh theo hướng ca ngợi nhà mình, chê bai gia đình chồng.
Chiêu 6: Người già rất thích trò chuyện. Sau bữa cơm tối hoặc khi đã dọn dẹp nhà cửa xong, bạn nên ngồi xem tivi, trò chuyện với bà ít nhất 15 phút. Đừng vội lẻn ngay về phòng riêng với ông xã. Nếu bạn “độc chiếm” anh ấy, bà sẽ phật ý rồi đâm ra giận hờn.
Chiêu 7: Biết mẹ chồng thích gì, đi đâu về, bạn nên có chút quà chứng tỏ mình rất quan tâm đến bà. Như thế, bà sẽ có dịp khoe với mọi người về lòng hiếu thảo của con dâu quý.
Chiêu 8: Tranh thủ mọi cơ hội có thể để khen ngợi mẹ chồng. Đặc biệt là khen trước mặt khách khứa, khiến bà mát dạ. Ngoài ra, tuyệt đối đừng phàn nàn về thói hư tật xấu của chồng trước mặt bà. Trong mắt người mẹ, con trai bà luôn nhất!
Chiêu 9: Hết sức tránh những câu nói làm mẹ chồng phật ý, dù là vô tình. “Uốn lưỡi 7 lần” chứ không được “bô lô ba la” như ở nhà mình.
Chiêu 10: Thường xuyên lui tới thăm mẹ chồng nếu bạn và anh ấy đã dọn ra riêng. Đừng đợi đến khi bà gọi điện nhắc mới tạt qua là hỏng hết. Bà sẽ trách bạn là cô con dâu vô tình đấy!
Nếu bận rộn, cách hay nhất là thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khoẻ của ông bà.
(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)

Mẹ và vợ: Ai nặng hơn?

Mọi ông chồng đều mong muốn vợ và mẹ vui vẻ, hòa thuận (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt giữa mẹ chồng và nàng dâu không phải xa lạ đối với riêng gia đình nào. Có vô vàn lý do khiến họ không hợp nhau, để rồi có những khoảng cách về mặt tình cảm – điều không ai mong đợi.
Bài toán khó cho các ông chồng
Cầu nối giữa mẹ và vợ là các ông chồng, nhưng không phải lúc nào các ông chồng cũng là cầu nối hữu hiệu. Để mẹ hiểu con dâu mà không mất lòng vợ thì đòi hỏi chồng phải hiểu sự việc, tâm lý, khéo léo. Đó là một bài toán mà không phải ông chồng nào cũng có thể giải được.
Cụ thể như trường hợp của gia đình Oanh. Khi cô mang đứa con đầu lòng, mẹ chồng bắt cô phải đi đứng cẩn thận, ý tứ và kiêng nhiều món mà cô thích vì theo bà thì các món ăn đó lại không tốt cho thai nhi và việc sinh nở. Là người thẳng tính, không tin những kinh nghiệm xưa của ông bà, Oanh cứ làm theo những gì trong sách dạy và cho rằng mẹ chồng lạc hậu. Thấy con dâu như vậy, bà cho rằng Oanh “hư”, không chịu nghe lời khuyên bảo. Bà tỏ ra khó chịu trước thái độ của con dâu nên thường cằn nhằn, chỉ trích Oanh trước mặt con trai. Tuấn (chồng Oanh) cũng đồng quan điểm như Oanh nhưng anh lại không thuyết phục được mẹ. Vì vậy anh đành khuyên vợ nên làm theo ý mẹ. Lúc đó Oanh cự lại và khẳng định không thể làm theo yêu cầu của mẹ chồng được. Mâu thuẫn giữa họ ngày một lớn. Thấy con trai không dạy được vợ, mẹ chồng Oanh càng tỏ thái độ hằn học với con dâu. Nhất cự, nhất động của Oanh đều bị mẹ chồng dò xét khiến cô rất khó chịu. Rồi mẫu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu ngày càng nghiêm trọng…
Trường hợp của vợ chồng Hà cũng vậy. Khi mới cưới nhau về, mẹ chồng cô ra “tối hậu thư” năm sau mới được có con. Nhưng do lỡ kế hoạch, nên Hà đã mang thai. Từ đó mẹ chồng cô luôn cho rằng Hà không nghe lời bà. Đặc biệt khi đứa trẻ chào đời, mỗi khi bé bệnh, bà lại bắt lỗi Hà và cho rằng cô không biết chăm sóc con, không biết kiêng cữ cho con. Thỉnh thoảng bà lại lôi câu chuyện cũ ra để trách cứ Hà. Sau hai năm, Hà cảm thấy không chịu được, đành xin ra ở riêng. Không đành để mẹ một mình, nhiều lần Hoàng (chồng Hà) đã góp ý cho mẹ nhưng cái tính người già khó thay đổi nên anh đành cùng vợ, con dọn ra ở riêng.
Ghét con rồi ghét luôn cả cháu
Ra ngoài ở riêng là sự lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng khi xung đột mẹ chồng – nàng dâu lên đến đỉnh điểm. Khổ nỗi người gánh chịu mọi mâu thuẫn lại là những đứa bé.
Trang tâm sự, vì mâu thuẫn với mẹ chồng mà vợ chồng cô phải ra ngoài ở riêng. Cứ tưởng như vậy sẽ xong nào ngờ mâu thuẫn đó kéo dài đến đời con cô. “Tôi thấy thương bé Diệu Anh, bởi bà nội của cháu chỉ thương và quan tâm cháu ngoại. Thậm chí khi tôi sinh cháu, bà cũng không có mặt. Đã vậy, bé Diệu Anh sinh ra giống mẹ nhiều hơn bố nên bà nội lại càng lạnh nhạt với cháu. Mỗi lần từ nhà bà nội về, bé thường nói với tôi: “Bà nội nói con giống mẹ – ngang, bướng, không ngoan như em Thảo (con của dì út)”. Nghe vậy, tôi không muốn gửi con cho bà nội nữa nhưng làm vậy đâu có được”, Trang ngậm ngùi chia sẻ.
Khi Hùng cưới Thúy, mẹ anh không đồng ý và không chấp nhận cô con dâu này. Thế là hai vợ chồng ra ở riêng. Đến khi Thúy có bầu và sinh con, mẹ chồng cũng ít thăm hỏi. Đến nay bé Cường, con trai của vợ chồng cô được 4 tuổi, mẹ Hùng vẫn chưa hết ghét con dâu. Từ ghét con dâu bà chuyển qua ghét luôn cháu nội. Mặc dù mỗi năm bé Cường mới được ba mẹ đưa về thăm bà nội một lần nhưng bé vẫn không được bà yêu quí.
Bất mãn về thái độ của mẹ chồng đối với con, lại chưa quên được những tháng ngày bị mẹ chồng cằn nhằn nên chị Trang, chị Thúy đã “tiêm” vào đầu các con một hình ảnh rất xấu về bà nội. Liệu khi lớn lên những đứa trẻ như Diệu Anh, Cường sẽ có thái độ với gia đình bên nội ra sao?
Chuyện của người lớn thì người lớn hãy tự giải quyết, đừng vì bản thân mình mà làm tổn thương đến những đứa trẻ…
Thu Cúc

Mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn về tiền bạc

Giai phap khi me chong nang dau xung dot tai chinh
(Ảnh: ceoservicesgrou)
Im lặng và chờ “đối phương” tự hiểu, đó là đối sách của nhiều cặp mẹ chồng nàng dâu khi có xung khắc liên quan đến chi tiêu trong gia đình. Theo chuyên gia tâm lý, phương pháp “tế nhị” này sẽ khiến hai người xa nhau thêm và sự hiểu lầm sẽ ngày một lớn.
  1.   Mẹ chồng nàng dâu khó chịu với nhau do sự khác biệt về quan điểm và thói quen chi tiêu (chẳng hạn con phóng tay, mẹ tiết kiệm hoặc ngược lại) là chuyện của rất nhiều gia đình. Mâu thuẫn này thường ngấm ngầm vì tâm lý ngại nói về tiền nong. Theo thạc sĩ tâm lý Trần Lệ Thu, giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội, đây là một sai lầm: “Dân gian có câu tiền bạc phân minh ái tình dứt khoát, những khúc mắc về tài chính nếu không nói ra sẽ chẳng thể giải quyết được”.
  Bà Lệ Thu cho rằng, không nên né tránh hoặc chờ người khác trong gia đình tự hiểu những bất bình của mình về chuyện tiền nong, vì điều đó rất mất thời gian và trong khi chờ đợi, mâu thuẫn sẽ ngày một “leo thang”. Giữa mẹ chồng nàng dâu lại luôn có sẵn thành kiến “khác máu tanh lòng”, vì vậy nếu không nói rõ, mỗi lời nói, hành động sẽ dễ bị suy diễn và quy kết sai lầm. Bởi vậy, im lặng là một đối sách nguy hiểm.
Nhưng ai sẽ nói? Bà Thu cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về con dâu – một “người lạ” bước chân vào một cộng đồng đã thống nhất và định hình lối sống từ mấy chục năm nay. Chính cô dâu là người đầu tiên phải điều chỉnh để hòa nhập được vào cộng đồng này. Mặt khác, người già thường có khuynh hướng bảo thủ, khó thay đổi hơn. Nếu thấy có sự khác biệt, thay vì bất bình, hãy cố gắng thích nghi vì rõ ràng với cách chi tiêu của mẹ, cả gia đình trong đó có người chồng vẫn thấy vui vẻ bao lâu nay. Mẹ chồng sẽ không thể hài lòng khi một người mới đến lập tức muốn thay đổi nó.
  Và trong khi cố làm quen, bạn cũng nên bày tỏ quan điểm của mình với mẹ chồng. Nói như thế nào thì phải tùy cơ ứng biến cho phù hợp với tính cách của mẹ và hoàn cảnh lúc đó. Đây là lời khuyên của chị Lan Anh (Hà Nội) rút ra từ kinh nghiệm bản thân: “Đừng để cho câu chuyện đầu tiên bạn nói với mẹ chồng lại chính là thắc mắc về tài chính. Tôi cũng từng thấy khổ sở vì mẹ chồng tiết kiệm quá. Nhưng tôi không kêu ngay”.
Cứ có thời gian rỗi, Lan Anh lại tỉ tê tâm sự với mẹ chồng, lúc thì kể chuyện công việc, bạn bè, khi lại bàn tán chuyện phim ảnh, mua sắm. Cũng theo hình thức “buôn dưa lê”, cô cho mẹ biết thói quen chi tiêu của mình thời con gái, rằng vợ chồng mình ngoài lương cũng có vài khoản thu nhập. Rồi nhân một lần mẹ chồng mệt mỏi, cô mua thức ăn tươi về và thủ thỉ: “Bố mẹ có tuổi rồi, cần ăn uống tốt hơn để giữ sức khỏe. Con sẽ đưa thêm tiền cho mẹ đi chợ, mẹ yên tâm bọn con lo được mà”. Bà mẹ chồng hiểu ý con dâu nhưng không trách giận, và từ đó bà cũng đỡ “chặt chẽ” hơn.
  Cũng có nhiều bà mẹ không hiểu nhanh như vậy. Trong trường hợp này, nàng dâu nên tìm sự hỗ trợ của người thứ ba. “Người chồng là cầu nối mềm mỏng và hữu hiệu nhất vì anh ta là đối tượng yêu thương của hai người đàn bà. Tuy nhiên, anh ta phải rất công bằng và không được bệnh vực bên nào cả” – chuyên gia tâm lý Trần Lệ Thu nói. Trong số những phụ nữ sử dụng thành công chiếc cầu đó có chị Tâm, một giáo viên cấp 3 ở Thanh Xuân, Hà Nội.
  Thấy mẹ chi quá ít cho bữa cơm gia đình, chị Tâm than thở với chồng và được anh hứa sẽ nói giúp. Lựa lúc mẹ vui vẻ, hai người đưa tiền chi tiêu cho mẹ, tăng một chút so với trước. Ông xã của chị Tâm bảo mẹ bây giờ nhà mình khá hơn rồi, mẹ không cần vất vả căn cơ như trước. Anh cũng cho biết vợ mình khi chưa lấy chồng quen ăn ngon, và bản thân mình cũng muốn vậy. Bà mẹ cau mặt tự ái, nhưng sau đấy cũng thay đổi. Và chị Tâm tìm cách lấy lòng mẹ bằng cách khác.
  Theo bà Lệ Thu, ngoài chồng, người con dâu có thể tìm những chiếc cầu nối khác như bố chồng, chị chồng… nếu thấy thích hợp. Tiếng nói của họ “có trọng lượng” vì họ không bị mẹ chồng coi là bị nàng dâu “dắt mũi”. Nhưng để nói được với người nhà chồng những chuyện tế nhị như vậy mà không gặp nguy hiểm, cô dâu phải tạo được quan hệ tốt, khi kể chuyện cũng phải nói trên tinh thần xây dựng.
  Nếu thương thuyết không hiệu quả, người con dâu cần có những biện pháp thực tế hơn. Chẳng hạn, nếu mẹ tiết kiệm, cô dâu nên tự mua sắm thêm đồ đạc hoặc thức ăn nhưng theo cách tế nhị, nghĩ ra những lý do dễ nghe như “mới được thưởng, có đợt khuyến mãi…”. Trong trường hợp mẹ hoang phí cũng vậy, ngoài việc giải thích về khả năng tài chính hạn chế của mình, nên cố gắng kiểm soát chi tiêu, thay vì để mẹ làm còn mình thì xót ruột.
  Về phía mẹ chồng, bà Lệ Thu cho rằng cũng cần có sự điều chỉnh: “Có lúc các bà mẹ nên tạm bỏ đôi dép của mình để xỏ thử dép của con dâu xem nó ra sao”. Các bà mẹ nên mở lòng với con dâu, hiểu con trong công việc và xã hội mà nó đang sống. Nhưng làm cho mẹ hiểu cũng là trách nhiệm của đôi vợ chồng trẻ.
Mấu chốt thành công trong việc thương thuyết chính là sự chân thành, với mong muốn hòa hợp với nhau, chứ không phải để phân định ai đúng ai sai. Vì vậy, dù có bực đến đâu, cô dâu cũng không nên kể lể quá đáng với chồng như thế mình là nạn nhân của mẹ, vì tình yêu đối với mẹ của anh ta sẽ không bao giờ thay đổi. Sự xung khắc giữa mẹ chồng nàng dâu chắc chắn sẽ khiến tình cảm vợ chồng không được trọn vẹn.
   Cuối cùng, khi tất cả mọi cố gắng thương thuyết đều thất bại, mối xung khắc giữa mẹ chồng nàng dâu trở nên không thể dung hòa, bà Trần Lệ Thu cho rằng nên chọn giải pháp “phá vỡ” để xây dựng lại. Hai vợ chồng nên nghĩ đến chuyện ra ở riêng để chấm dứt mâu thuẫn. Đây là chuyện cực chẳng đã, nhưng lại có hiệu quả tốt nhất trong trường hợp này.

Quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhìn từ góc độ văn hoá

Hai thế hệ khác nhau nên tôn trọng nhau về tư duy và lối sống. Không nên cứ nhất nhất sống theo lối sống cũ của chúng tôi (những người già). Nhưng cũng không phải lối sống mới đã là hay toàn bộ đâu. Các bạn cũng sẽ già và sau này sẽ hiểu hơn khi tự mình đã trải nghiệm qua thực tế cuộc đời. (Bùi Văn Bông)
Người gửi: Bùi Văn Bông, 125.235.124.129
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Mẹ chồng nàng dâu
Theo tôi có mấy vấn đề cần suy nghĩ xa hơn về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu:

1. Người Việt có lối tư duy gốc nông nghiệp nên:
Họ coi trọng phồn thịnh; trọng tình, trọng nghĩa; luôn giúp đỡ lẫn nhau; đoàn kết gắn bó để chiến thắng thiên nhiên, giặc dã; khắc phục khó khăn nảy sinh trong cuộc sống, tôn trọng người có kinh nghiệm vv… do đó từ xa xưa người Việt sống tập trung trong gia đình, họ hàng, làng nước vv… Đó là những mặt tốt.

Nhưng mặt trái của tư duy đó là: Đố kỵ, ghen ăn tức ở, cục bộ địa phương, ỷ lại, ích kỷ, tuỳ tiện, gia trưởng, độc đoán, bè phái, sống lâu lên lão làng v.v…

Do đó chuyện mẹ chồng nàng dâu không có gì là lạ, nếu chúng ta hiểu rõ và sâu sắc về văn hoá Việt Nam. Từ đó chúng ta sẽ lý giải một cách khách quan vấn đề này.

2. Văn hoá Việt Nam không thể không bị ảnh hưởng và pha trộn bởi các nền văn hoá khác trên thế giới, do đó chúng ta mới có lối sống như trước đây (thế hệ đã lớn tuổi) và lối sống pha trộn như hiện nay (thế hệ trẻ tuổi).

Nhưng nói gì thì nói, có lẽ không một người Việt Nam nào lại có thể bỏ hẳn được tư duy, lối sống, phong cách, tính nết vv… của Việt Nam mà theo hẳn một lối sống khác vì chúng ta mang dòng máu người Việt cổ. Do nền văn hoá như vậy, nên thông thường người Việt Nam hay sống chung trong gia đình. Ông bà chăm sóc con cháu, con cháu chăm lo ông bà, bố mẹ khi tuổi cao, gia đình hay quây quần ăn uống khi có dịp thuận lợi vv…Thế rồi ông bà, cha mẹ thường chia hết của cải do mình làm ra cho các con, các cháu và cảm thấy đó là hạnh phúc. Sau này các bạn về già cũng làm như thế.

Các bạn thấy tư duy và cách sống thế có hay không? hay là cuộc sống như phương Tây thì hay hơn? Tôi xin đánh cuộc rằng chính các bạn cũng đã, không và sẽ không bao giờ trở thành một người có lối sống 100% như phương Tây được đâu.

3. Vấn đề là: Nếu mọi người sống chân thành; giúp đỡ lẫn nhau thật sự; thông cảm; yêu thương nhau; hiểu biết suy nghĩ, tự do và lối sống của mỗi người trong cái tập thể gia đình nhỏ bé đó thì sẽ rất ít khi có chuyện. Còn nếu không thì sẽ là ngược lại: Rất nhiều chuyện và rất nhức đầu, mà chẳng đâu vào đâu cả.

Tóm lại:

– Nếu bạn có điều kiện kinh tế tự mình làm ra và tự mình lo liệu được cho gia đình mình thì ở riêng là tốt nhất. Tuy nhiên bạn vẫn phải có trách nhiệm tôn trọng và giúp đỡ ông bà, cha mẹ đấy.

– Nếu bạn không tự làm ra kinh tế (ví dụ nhà ở) và còn khó khăn trong việc tự lo liệu thì có thể vẫn ở chung cùng bố mẹ chồng. Nếu bạn sống chân thành thì ai lại gây phiền nhiễu cho bạn làm gì ?

Nhưng chớ có lấy của cải của bố mẹ làm ra, rồi sau đó tìm cách ở riêng cho thoải mái bản thân mình khi không được phép vì tài sản có phải của bạn đâu. Bạn chỉ thích tài sản của bố mẹ chồng, còn không thích bố mẹ chồng. Điều đó liệu có được không ?

Như vậy, xã hội hiện nay có hai cách suy nghĩ và lối sống tương đối khác nhau. Hai thế hệ khác nhau nên tôn trọng nhau về tư duy và lối sống. Không nên cứ nhất nhất sống theo lối sống cũ của chúng tôi (những người già) trước đây. Nhưng cũng không phải lối sống mới hiện tại trong xã hội đã là hay toàn bộ đâu. Các bạn cũng sẽ già và sau này sẽ hiểu hơn khi tự mình đã trải nghiệm qua thực tế cuộc đời.

Mẹ chồng hãy chân thành và tốt với con dâu và ngược lại. Tất cả sẽ vui vẻ và tốt đẹp thôi mà.

Cuộc sống có tình, vui vẻ và có ý nghĩa mới là quan trọng.

Chúc hai thế hệ luôn vui vẻ và đoàn kết !

Gỡ nút mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu

Gỡ nút mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu

Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu luôn xảy ra những mâu thuẫn, xét cho cùng là do cách thể hiện tình cảm khác nhau của hai người phụ nữ với cùng một người đàn ông.

 

Cách yêu thương khác nhau
Mẹ chồng muốn bạn ở nhà chăm sóc con trai bà thật tốt, thật chu đáo và không nhất thiết phải thể hiện năng lực ngoài xã hội.
Khi nhìn thấy con dâu bận bịu đến mức không thể nấu được một bữa cơm ngon cho con trai mình thì có người mẹ nào không thấy xót xa. Chồng bạn dễ nết, chẳng ngại những gói mỳ, những đồ ăn sẵn…. nhưng với mẹ chồng, điều đó có nghĩa là con dâu mình không làm tròn bổn phận của người vợ.
Xã hội càng phát triển thì đòi hỏi người phụ nữ phải gánh trên đôi vai mình nhiều gánh nặng hơn. Kiếm tiền, khẳng định vị trí xã hội, giữ gìn hạnh phúc gia đình, chu toàn mọi việc nhà, nuôi dạy con cái… trở thành việc của cả hai giới.
Người phụ nữ tin tưởng vào bản thân mình hơn, cách thể hiện tình cảm với chồng cũng khác nhau. Hãy nhớ vợ không chỉ là người “nâng khăn sửa túi”.
Dạy dỗ và chỉ bảo thế hệ sau
Vấn đề giáo dục thế hệ thứ 3 trong gia đình là một nhân tố kích động mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thêm phức tạp.
Ông bà nội thường quan tâm, yêu thương cháu đích tôn hơn cả yêu con đẻ của mình. Tất cả hy vọng và yêu thương đều được gửi gắm vào đứa trẻ. Con trai còn bé bỏng trong mắt ông bà nên các cháu càng cần che chở, chăm sóc, ông bà chiều chuộng cháu thái quá, làm thay cho cháu mọi việc.
Cha mẹ ít thời gian hơn, phải lo lắng nhiều chi phí cho cuộc sống hơn nên không kề cận nhiều với con. Họ mong muốn giáo dục con tự lập, biết cách tự chăm sóc và bảo vệ mình, đòi hỏi đứa trẻ trở thành người lớn sớm.
Tính đặc thù của mối quan hệ
Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đặc biệt ở chỗ 2 người phụ nữ cùng lo và chăm sóc cho một gia đình nhưng lại không chung dòng máu như cha mẹ đẻ. Đó là mối quan hệ trung gian nên nó không có tính ổn định như quan hệ ruột thịt và không có tính thân thiết của quan hệ vợ chồng.
Mối quan hệ hoàn hảo đều dựa vào một người: “Mẹ chồng vì con trai mình mà yêu thương con dâu, nàng dâu vì chồng mình mà kính yêu mẹ chồng”.
Bất đồng về lợi ích
Khi phải “nhường” tình yêu thương và quyền kiểm soát kinh tế của con trai cho con dâu, cần có thời gian để những người làm mẹ chồng thay đổi và thích ứng. Nhiều người không chịu được sự thay đổi đó. Cũng có người không chịu lùi bước để con dâu “thay thế” một vài vị trí của mình khiến nảy sinh mâu thuẫn.
Chưa thích ứng được với gia đình chồng
Trước khi về nhà chồng, nàng dâu có cuộc sống, thói quen sinh hoạt riêng. Lấy chồng là bắt đầu một cuộc sống mới, theo nếp sống của gia đình chồng, cần có thời gian, quá trình tìm hiểu cũng như sự giúp đỡ đến từ các thành viên trong gia đình chồng. Nếu như cô dâu mới không thích ứng kịp với sự thay đổi đó hoặc không được gia đình chồng tiếp nhận sẽ khiến cho mối quan hệ căng thẳng.
Mất cân bằng vị trí trung gian
Trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu, người con trai – người chồng đứng ở vị trí trung gian vô cùng quan trọng. Nếu họ phát huy hết vai trò của mình có thể tăng cường sự bền chặt tình cảm giữa mẹ và vợ.
Ngược lại, mất thăng bằng dễ làm rắc rối vấn đề ngay. Người mẹ xuất hiện trạng thái tâm lý sợ con trai mình “lấy vợ rồi quên mẹ” cũng như cho rằng tình cảm mà người con trai dành cho mình bị con dâu cướp mất. Người vợ dễ tủi thân vì với chồng mẹ anh ấy là nhất, ý kiến của mình không được coi trọng nữa. 
Theo Nhược Lan
TGPN