Category Archives: Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh

5 bí quyết giúp mẹ chăm bé sơ sinh

Bé ngủ, mẹ cũng ngủ

Đây là lời khuyên được đặt lên đầu tiên vì đó là một điều vô cùng quan trọng. Tất cả mọi người đều khuyên rằng, bạn nên ngủ khi bé ngủ. Trách nhiệm khiến bạn nghĩ rằng, bạn không cần ngủ nhưng mất ngủ trong thời gian dài sẽ khiến bạn mắc chứng khó ngủ và thật khó ngủ khi bạn cần ngủ. Nếu bạn ngủ trong khi bé yêu ngủ thì bạn có thể có sức để tiếp tục cho những tháng tiếp theo và tới khi bạn cần dùng chúng. Bé yêu bắt đầu ăn dặm vào 6 tháng tuổi và trong thời gian đó, bạn có thể được ngủ rất ít.
Quá trình lâm bồn và sinh con cũng khiến bạn rất mệt mỏi rồi. Giấc ngủ giúp bạn hồi phục lại sức khỏe và chăm sóc bé được tốt hơn.

Giao tiếp với bé bằng da và mắt

Phát triển mối dây liên hệ giữa bé yêu và bạn, cùng với chồng bạn và các thành viên trong gia đình là một điều nên làm. Mối dây liên kết của bạn với bé khiến bạn có thể cảm nhận được những điều diễn ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và tinh thần của bé yêu như thế nào.

Có hai cách để duy trì mối dây liên hệ mạnh mẽ với bé là:

– Có sự tiếp xúc da – da càng nhiều càng tốt.

– Tạo sự liên kết bằng mắt.

Lần đầu tiên bạn bế bé trên tay sau khi sinh rồi cho bé bú, cố gắng đặt mình bé lên bụng bạn để bé cảm nhận được làn da quen thuộc và ấm áp. Điều này khiến cho xúc giác của bé phát triển. Vào sáng sớm hoặc tới giờ đi ngủ, bạn hãy để trần nửa trên của người và bé cũng vậy. Sau đó, quấn một chiếc chăn xung quanh bạn và bé nếu trời hơi lạnh. Khoảng thời gian tắm cũng là khoảng thời gian mà bạn và bé có có sự đụng chạm da – da nhiều nhất.
Bé yêu rất thích nhìn vào mắt bạn và bé cũng thích bạn nhìn lại mình. Khi bạn cho bé ăn bằng việc cho bú hoặc cho bú bình thì đây chính là khoảng thời gian mà bạn có thể cùng bé tạo nên sự giao tiếp bằng mắt.

Dỗ bé khéo nhất

Nếu đã từng trải qua thời gian chăm sóc bé sơ sinh thì hẳn bạn sẽ ước rằng, nếu trước đó được ai đó chỉ dạy về việc dỗ dành bé khi bé khóc thì hay biết mấy.

Cách mà nhiều trẻ con thích là bạn đi đi lại dại và dỗ dành bé bằng những điệu nhảy và âm thanh. Bé rất thích được nghe âm thanh quen thuộc đặc biệt là âm thanh khi được nghe ở trong bụng mẹ lúc trước. Lúc bé khóc, bạn hãy đặt bé dựa vào vai và có thể đung đưa theo điệu nhạc. Bạn có thể đặt miệng của mình gần tai bé và huýt sáo hay phát ra những âm thanh dịu dàng như “shhhh”. Nhưng chú ý đừng thổi vào tai bé vì bạn có thể làm tai bé bị thương.

Bé cùng thích được ủ ấm như lúc còn trong bụng mẹ. Cảm giác được an toàn và được bảo vệ khiến bé đỡ khóc hơn. Vì thế, bạn nên mua một chiếc chăn mỏng, quấn quanh bé.

Không để bé bị kích thích quá mức

Một điều quan trọng thường xuyên phải làm là bạn nên chú ý những hoạt động kích thích bé quá mức. Dĩ nhiên, cho bé chơi đùa rất quan trọng với sự phát triển của bé nhưng phải vừa đủ đặc biệt là trong những tháng đầu tiên. Khi bị quá mệt bé sẽ khóc, gào thét và sẽ gây ra nhiều khó chịu.

Bạn hãy tạo cho bé thói quen ngủ đúng giờ. Thời gian cho bé chơi có thể chỉ khoảng 30 phút là đủ. Nếu bé trở nên quá mệt hoặc quá bị kích thích thì bạn hãy đi đến và ngồi ở nơi nào đó yên tĩnh và hơi tối một chút để bé dịu lại.

Lên kế hoạch sinh hoạt
Kế hoạch cho thời gian ăn, thời gian tắm, thời gian đi ngắm cảnh, thời gian ngủ… sẽ làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn mà không bị quá tải. Điều quan trọng, cần chắc chắn mọi thứ đã sẵn sàng trước khi bạn bắt đầu trách nhiệm của mình. Ví dụ, trước khi bạn tắm cho bé, bạn cần chắc chắn đã có mọi thứ bạn cần cho việc tắm cho bé như khăn lau, quần áo sạch, tã lót…

Theo Eva

Làm Gì Khi Bé Bị Sặc Sữa?


Tôi năm nay 22 tuổi, mới có con lần đầu, mỗi lần cho bé bú rất vụng về, không biết làm gì cho đúng cách, nhất là khi bé sặc sữa, tôi rất sợ. Vậy rất mong được báo Sức khỏe & Đời sống, giúp tôi phải làm gì cho bé bú đúng cách và làm gì để đề phòng sặc sữa cho bé?

(Hồ Thanh Vân Tp.HCM)

Sữa mẹ là nguồn thức ăn quí giá, là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho bé phát triển và còn là nguồn kháng thể để giúp trẻ chống lại nhiễm trùng trong giai đoạn đầu đời. Vì vậy, việc cho bé đúng cách để tận hưởng nguồn sữa mẹ quý giá trên là vô cùng cần thiết, nhất là một số bà mẹ chưa có kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ hay nữ chuẩn bị hoặc bắt đầu làm mẹ.

 Cần cho bé bú đúng tư thế. Ảnh minh họa

Khi cho bé bú, tốt nhất là ở tư thế người mẹ ngồi thoải mái trên ghế, nếu sức khỏe còn yếu có thể nằm trên giường với bé nằm bên cạnh. Tuy nhiên, nên hạn chế tối đa cho bé bú ở tư thế nằm, vì vòi Eustache của bé thường đậy chưa kín hẳn giữa tai – mũi – họng, nên khi bé bú ở tư thế nằm nghiêng, sữa dễ qua vòi này mà gây viêm tai giữa. Giúp bà mẹ bế em bé, hướng mặt bé về phía bầu vú, đầu và thân bé phải thẳng hàng, bụng bé áp sát vào bụng mẹ, bà mẹ dùng tay nâng bầu vú và đưa cả bầu vú chứ không phải chỉ có núm vú về phía miệng bé, bà mẹ không nên dùng hai ngón tay kẹp núm vú hay cố đẩy núm vú về phía miệng bé. Nên chạm nhẹ núm vú vào miệng bé để kích thích phản xạ tìm vú, và chờ cho bé há to miệng và sẵn sàng để bú thì nhanh chóng đưa vú vào miệng bé. Hướng môi dưới của bé nằm phía dưới núm vú, điều này giúp cằm bé chạm sát vào bầu vú và lưỡi bé nằm ngay dưới phần vú có chứa các xoang sữa, cũng như giúp cho núm vú chạm vào vòm hầu của bé để kích thích phản xạ mút. Đối với bé, cho bé bú ngay sau sinh càng sớm càng tốt, vì làm như vậy sẽ kích thích giúp mau lên sữa cũng như tận hưởng được nguồn sữa non quí giá. Cho bé bú theo yêu cầu, bất cứ lúc nào trẻ đói và đòi bú, không cần thiết cho theo giờ giấc nhất định, và cũng không nên giới hạn thời gian mỗi lần bú. Trước đây các nhân viên y tế thường khuyên các bà mẹ không nên cho bé bú lâu quá 5 – 10 phút, vì sợ bé bú lâu sẽ làm đau đầu vú. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, nguyên nhân đau đầu vú là do ngậm bắt vú không đúng cách. Nên để cho bé bú đến khi nhận đủ lượng sữa theo yêu cầu, chờ cho bé bú hết sữa một bên rồi mới chuyển sang vú bên kia. Không nên ép trẻ bú quá no, vì dạ dày của bé lúc này còn thẳng chưa cong như người lớn nên bú quá no thì dễ bị trào ngược. Thông thường nên cho bé bú vú phải trước, đến bữa bú kế thì vú trái làm như vậy cả 2 vú đều được kích thích và sẽ tiết sữa đều cả 2 vú.Về sặc sữa có thể do nhiều nguyên nhân như: do lỗ thông đục ở đầu vú cao su to quá, sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ nuốt không kịp. Một số trẻ có thói quen vừa bú vừa ngủ, miệng ngậm vú sữa vẫn chảy nhưng không nuốt; khi thở mạnh, trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào khí quản, phế quản gây ra sặc. Trẻ 3 – 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết nói chuyện, nên người vừa cho bú vừa nói chuyện, trẻ mải hóng chuyện, ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt, lúc thích chí, trẻ toét miệng cười, sữa tràn vào khí quản gây sặc.
Về triệu chứng và nhận biết, khi đang cho bé bú bỗng ho sặc sụa kèm theo tím tái, đó là tình trạng bé bị sặc sữa. Tình trạng này là do sữa tràn vào đường hô hấp, có thể vào khí quản, đôi khi vào tận phế nang làm tắc đường hô hấp. Nếu cấp cứu không kịp thời bé sẽ tử vong vì thiếu oxy. Khi gặp tình trạng này, không ai khác, chính người mẹ phải cấp cứu một cách khẩn trương, thật bình tĩnh, nhanh chóng làm cho sữa ra khỏi đường hô hấp. Nhanh nhất, đơn giản nhất là dùng miệng mình hút mạnh vào miệng và mũi bé, hút càng nhanh, càng mạnh càng tốt. Nếu để chậm sữa sẽ vào sâu trong khí quản khó rút ra, trẻ bị tắc thở lâu, khó cứu. Sau khi hút xong, kích thích mạnh vào đầu trẻ, để bé khóc và thở được; sau đó mới khẩn trương đưa trẻ tới bệnh viện để tiếp tục điều trị. Tuyệt đối không đưa đi bệnh viện khi trẻ chưa thở lại được, vì não thiếu oxy trong vài phút sẽ không hồi phục, mà chỉ đưa đi bệnh viện khi đã khai thông cho bé thở lại. Để đề phòng sặc sữa, không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ, không đùa với trẻ khi đang bú, khi cho bú nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, không nên để gập cổ hoặc ngửa cổ quá, vì gập cổ sẽ gây khó nuốt, còn ngửa cổ thì dễ bị sặc sữa lên mũi. Khi trẻ ho hoặc khóc thì phải ngừng cho bú ngay, không để sữa tiếp tục chảy xuống miệng trẻ.

Những Sai Lầm Thường Gặp Khi Chăm Sóc Trẻ


Ngày nay, dù thông tin khoa học và kiến thứuc đã nâng cao nhưng vẫn còn đó nhiều quan niệm sai lầm của một số bậc phụ huynh, xuất phát từ truyền miệng và lưu truyền này đến thế hệ khác. Dưới đây là những sai lầm thường gặp có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Ăn nhiều cà-rốt giúp sáng mắt
Cho dù bạn chưa thấy một con thỏ nào phải đeo kính nhưng nhận định trên vẫn không đúng. Cà-rốt chứa nhiều vitamin A, đồng thời cũng giàu beta-caroten nên nếu sử dụng nhiều, nó là yếu tố làm tăng chứng vàng da ở bé. Ăn nhiều cà-rốt hay các loại thực phẩm giàu vitamin A khác không có chức năng cải thiện thị giác cho bé như cha mẹ mong đợi. Ngoài ra, việc tiêu thụ quá liều vitamin A còn có thể gây hại cho bé, lời khuyên tốt nhất là cha mẹ nên cho bé ăn uống cân bằng.
Đi chân đất sẽ khiến bé bị bẹt chân
Đi chân trần là một trong những cách vận động có lợi, giúp bàn chân của bé được phát triển tự nhiên. Chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định, những bé đi chân đất thường xuyên sẽ có bàn chân khác lạ so với nhóm bé đi giày. Lý do duy nhất để bạn đi giày cho bé là giúp bé khỏi bị chấn thương trước những tác động từ môi trường.

 Cho trẻ đi chân đất để bàn chân được phát triển tự nhiên.

Những chấm trắng xuất hiện trên móng tay là do bé thiếu canxi
Những chấm trắng trên móng tay thường không liên quan đến sự thiếu hụt canxi ở bé. Chúng thường vô hại và thỉnh thoảng xuất hiện cùng với sự phát triển của móng (không riêng các bé, người lớn cũng có dấu hiệu này). Nguyên nhân có thể là do móng tay của bé bị chấn thương nhỏ. Ngoài ra, dấu hiệu hạt gạo trên móng còn có khả năng cảnh báo nguy cơ bé bị ốm vì khi ấy, nhóm tế bào ở khu vực này có thể bị rối loạn hoạt động.
Cho bé ăn ngũ cốc vào buổi tối sẽ giúp bé ngủ ngon
Các chuyên gia cho rằng, bạn chỉ nên cho bé dùng ngũ cốc (các loại bột ngô (bắp), kê, đậu, gạo nếp và gạo tẻ) khi bé đã bước vào tuổi ăn dặm (4 – 6 tháng tuổi). Tuy nhiên, việc cho bé ăn ngũ cốc trước giờ đi ngủ không có tác dụng giúp bé ngon giấc cả đêm. Trong vòng 3 – 6 tháng tuổi, các bé đã có khả năng tuân thủ một chu kỳ ngủ dài giấc vào ban đêm hơn.
Sữa hộp chứa sắt sẽ khiến bé mắc táo bón
Chưa có nghiên cứu nào kết luận mối liên quan giữa số lần đi tiêu, tình trạng phân, số ngày bé không đi tiêu, dấu hiệu nôn (trớ) với hàm lượng sắt có trong sữa hộp; do đó, không thể kết luận sắt có trong sữa là thủ phạm gây táo bón ở bé. Không những thế, sắt là một trong những nhóm chất cần thiết cho sự phát triển của bé.
Bé mọc răng thường bị sốt
Nhiều cha mẹ vẫn tin rằng, dấu hiệu khi bé mọc răng bao giờ cũng là sốt và tiêu chảy. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho biết, có không ít bé mọc răng mà không kèm theo dấu hiệu sốt.
Bé bị sốt cao có thể nguy hiểm đến não
Sốt, tự bản thân nó không gây hại cho não trừ trường hợp sốt quá cao gây co giật. Bí mật nằm ở chỗ, sốt có thể là triệu chứng của viêm màng não nên có thể nguy hiểm cho não.
Aspirin là loại thuốc hiệu quả nhất để hạ sốt
Aspirin không được dùng tùy tiện cho bé, trừ khi bạn được bác sĩ chỉ định làm điều này. Bởi vì, aspirin có liên quan đến hội chứng Reye’s ở bé.
Xoa cồn lên da bé có tác dụng hạ sốt
Cách này chỉ khiến bé bị ốm thêm. Cồn bốc hơi rất nhanh và có thể khiến bé bị lạnh – dấu hiệu có thể làm bé bị sốc do thay đổi thân nhiệt đột ngột. Hơn nữa, hiện tượng nhiễm độc cồn sẽ xuất hiện khi lượng cồn ấy thẩm thấu qua da của bé.
Đường gây nên chứng hiếu động thái quá
Mặc dù tiêu thụ nhiều đồ ngọt có liên quan đến tính khí của bé nhưng cũng không có nghĩa đường là chất gây nên chứng hiếu động thái quá. Nhiều cha mẹ tin rằng, đường gây ảnh hưởng đến hành vi của bé (ví dụ, trong những bữa tiệc – cơ hội để bé dùng nhiều đồ ngọt, bé chạy nhảy nhiều thì cha mẹ đổ ngay tội cho đường). Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng, đường không phải là nguyên nhân gây chứng hiếu động thái quá hoặc chứng tăng động giảm chú ý ở bé.
Bé bị mọc mụn là do bạn rửa mặt cho bé không được sạch
Mụn ở bé hầu như không liên quan đến tình trạng bụi bẩn trên da hoặc thức ăn có chứa chất béo. Nó được sinh ra bởi sự rối loạn ở các tuyến bã, nằm phía dưới da. Giữ cho da mặt của bé luôn sạch sẽ thì tốt nhưng bạn nên nhẹ tay và không được chà xát mạnh vào những nốt mụn trên mặt bé.
Bộ não của bé sẽ hoàn thiện khi bé được 1 tuổi
Bộ não là cơ quan hoàn thiện gần như sau cùng. Trong vòng 3 năm đầu đời, bộ não của bé phát triển mạnh mẽ nhất. Khoảng 7 tuổi, não của bé có thể hoàn thiện đến trên 80%.
Cho bé tập đi sớm, bé sẽ nhanh biết đi
Điều này không những sai mà còn có thể gây nguy hiểm cho bé. Ép bé tập đi sớm có thể gây cản trở quá trình học đi của bé, bởi vì khi ấy, xương và cơ chân của bé còn yếu nên dễ bị tổn thương. Bạn nên để cho bé phát triển các kỹ năng theo cách tự nhiên nhất.
Bổ sung vitamin cho bé lười ăn
Vitamin không thể thay thế thức ăn của bé vì chúng không chứa năng lượng. Trừ khi bé bị thiếu hụt vitamin thì bạn mới nên bổ sung vitamin cho bé, theo chỉ định của bác sĩ.

 Chỉ cho trẻ uống bổ sung vitamin khi bị thiếu.

Cho bé đứng nhiều, chân bé sẽ bị vòng kiềng
Sự thiếu hụt vitamin có thể dẫn tới chứng mềm xương và gây nên tình trạng “đôi chân vòng cung” ở bé. Một số trường hợp, phòng tránh tình trạng còi xương ở bé ngay từ đầu đồng nghĩa với việc sẽ giảm được nguy cơ chân vòng kiềng ở bé. Ngoài ra, phần lớn các bé hơn 1 tuổi thích kiểu đi choãi chân thay vì chụm chân. Thế đi này xuất phát từ kiểu cong chân khi bé còn nằm trong bụng mẹ nên phải mất một vài năm nữa, bé mới có dáng đi chuẩn.
Loại hành, tỏi và sô-cô-la khỏi thực đơn của mẹ
Nếu mẹ tiêu thụ nhiều nhóm thức ăn giàu gia vị thì bé bú mẹ có khả năng bị xì hơi hoặc khó chịu trong dạ dày. Tuy nhiên, với nhóm thực phẩm trên, người mẹ chỉ nên tránh trong vòng 2 – 4 tuần lễ đầu.
Thời tiết ẩm sẽ khiến bé bị cảm lạnh
Nhận định này không hoàn toàn chính xác. Cảm lạnh có thể bắt nguồn từ việc hệ hô hấp bị virus xâm nhập chứ không hoàn toàn do trời lạnh hoặc trời ẩm. Tất nhiên, chứng cảm lạnh cũng thường bùng phát trong mùa lạnh, bởi khi ấy, bé phải ở trong nhà hoặc chỉ được phép vui chơi ở chỗ đông người nên có thể bị nhiễm virus cảm lạnh từ người khác.
Không cho bé bị chảy nước mũi uống sữa vì sữa sẽ làm tăng tiết dịch mũi
Nhiều cha mẹ tin rằng, cho bé uống nhiều sữa khi bé bị cảm sẽ khiến nước mũi bị chảy nhiều hơn. Cũng có một số nghiên cứu chứng minh mối liên quan giữa sữa và khả năng tăng tiết dịch ở mũi nhưng bạn không nên vì lý do này mà bắt bé phải kiêng sữa.
Sữa chứa nhiều protein và canxi, cần thiết cho quá trình phát triển của bé, cho dù bé đang bị ốm hay khỏe mạnh. Nếu bé thích các loại nước hoa quả hơn, cha mẹ cũng không nên chiều bé; thay vào đó, cha mẹ nên tập cho bé thói quen uống sữa hàng ngày.
Nước mũi của bé có màu vàng, xanh là do bé bị nhiễm khuẩn và cần được uống kháng sinh
Không hoàn toàn chính xác. Màu sắc dịch mũi có thể thay đổi; trước tiên, nó thường trong và loãng, sau đó, nó chuyển sang đặc và có màu vàng hoặc xanh. Việc điều trị bằng kháng sinh chỉ diễn ra khi có chỉ định của bác sĩ, thường là sau vài ngày mà bé chưa khỏi ốm.
Bé không thể tiêm phòng nếu đang bị sốt, cảm và ho
Nếu chỉ bị sốt, cảm và ho nhẹ thì việc tiêm phòng cho bé vẫn có thể được các bác sĩ tiến hành. Quá trình tiêm phòng bị cấm khi bé có dấu hiệu ốm nặng kèm theo sốt cao. Nên thông báo cụ thể tình trạng của bé cho bác sĩ biết và theo hướng dẫn của bác sĩ dựa trên thể trạng thực tế của bé.

Chăm Sóc “Vùng Kín” cho bé


Nếu có con, bạn sẽ thấy việc chăm sóc, vệ sinh cơ thể cho trẻ khá phức tạp. Những người may mắn có đủ “nếp lẫn tẻ” càng thấy bối rối hơn trước việc đó.
Tuy nhiên, điều khác biệt rõ nhất là việc giữ vệ sinh bộ phận sinh dục của trẻ. Cơ quan sinh dục của trẻ trai và trẻ gái đều dễ bị nhiễm trùng đường tiểu. Ở trẻ trai là do bị hẹp hoặc dài da quy đầu, còn ở trẻ gái là do bộ phận sinh dục tương đối lộ và dễ bị ẩm ướt. Do đó, cách chăm sóc đối với cơ quan này ở hai đối tượng trẻ là hoàn toàn khác nhau. Tùy theo độ tuổi và đặc điểm cơ thể của trẻ, các bà mẹ cần chú ý để có cách chăm sóc phù hợp nhất nhưng phải theo nguyên tắc ‘khô” và “sạch”.

 Giữ cho “vùng kín” của bé luôn khô, sạch.

Đối với trẻ trai
Hơn 2/3 bé trai khi sinh ra bị hẹp da quy đầu. Càng lớn, tỷ lệ này càng thấp dần, nghĩa là một số trẻ sẽ tự khỏi, không cần đến sự can thiệp của y khoa.
Để chẩn đoán hẹp da quy đầu, bạn dùng tay vuốt ngược vùng da mềm ở đầu dương vật ngược lên phía vùng bụng. Nếu bạn thấy quy đầu “lấp ló” ở đầu dương vật có nghĩa là bé không bị hẹp da quy đầu. Dư da quy đầu hoặc da quy đầu dài thường gây ra tình trạng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang dẫn đến việc bé đi tiểu lắt nhắt, tia tiểu không thẳng hoặc bị tồn đọng nước tiểu tại đầu dương vật, khiến nơi đây dễ bị nhiễm trùng viêm đỏ và đau. Để giải quyết tình trạng này, mỗi lần con đi tiểu xong, bạn vừa dùng tay tụt da quy đầu ra, vừa nong da quy đầu cho giãn dần để tống hết nước tiểu tồn đọng ra ngoài. Sau cùng, dùng khăn giấy hoặc khăn vải thấm khô dương vật của bé.

 Trẻ bị hẹp quy đầu.

Đối với trẻ gái
Các bé gái đòi hỏi sự chăm sóc cẩn thận ngay từ thời kỳ sơ sinh. Một số trẻ do nội tiết của mẹ truyền sang nên có thể xuất huyết một ít tại cơ quan sinh dục dưới (âm hộ hay còn gọi là cửa mình) hoặc đóng bợn trắng tại đây. Bạn nên dùng bông gòn và nước ấm nhẹ nhàng lau sạch cho con rồi thấm khô với khăn vải cotton trước khi mặc tã cho bé. Một khi trẻ gái đi tiểu, bạn cần rửa hoặc lau cơ quan sinh dục của bé với nước sạch. Đừng bao giờ quên thấm cho thật khô bộ phận này. Nếu không có điều kiện rửa, bạn chỉ cần thấm khô cho bé. Tuyệt đối không nên rửa rồi mặc tã ngay cho con vì sẽ gây ra tình trạng ẩm ướt kéo dài ở vùng sinh dục, có thể dẫn đến nhiễm nấm và các bệnh nhiễm trùng khác.
Một số phụ huynh quá cẩn thận, dùng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ hay nước muối loãng để rửa và sát trùng âm hộ cho con. Việc này là không nên, trừ những trường hợp bệnh lý có chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý chung:
Bé gái cũng như bé trai đều cần được mặc tã hoặc mặc quần để giữ sạch và khô bộ phận sinh dục.
Nếu quan sát thấy vùng da ở đây hăm đỏ, tiết dịch, trẻ đau khi đụng vào hoặc trẻ có biểu hiện rặn tiểu bất thường, khóc khi đi tiểu, tiểu đục, tiểu lắt nhắt… bạn cần đưa con đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc sát trùng hay kem trị nấm để thoa cho bé, vì có thể làm cho tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
SKĐS

Chăm Sóc Trẻ Sơ Sinh


Trẻ từ khi sinh ra đến 30 ngày được gọi là sơ sinh. Trẻ sinh ra đủ tháng khi tuổi thai từ đủ 37 tuần đến hết 41 tuần. Trẻ sơ sinh đủ tháng có cân nặng lúc đẻ trên 2,5 kg, chiều dài của bé trung bình 48 – 50cm. Để trẻ được khỏe mạnh, nhân viên y tế thôn bản cần hướng dẫn các bậc cha mẹ các phương pháp chăm sóc trẻ ngay từ lúc sơ sinh.
  Đảm bảo điều kiện môi trường tốt cho trẻ
Trong tử cung của mẹ, thân nhiệt của trẻ luôn được ổn định nhưng ngay sau khi ra đời, trẻ đã bị mất nhiệt bởi nhiệt độ môi trường thấp hơn. Do vậy, trẻ sơ sinh cần được giữ ấm. Phòng trẻ nằm phải ấm (28 – 30oC), thoáng, không có gió lùa.
Mẹ và bé nên tắm nắng sáng sớm mỗi ngày khoảng 15-20 phút. Tắm nắng không những giúp trẻ có vitamin D để hấp thu tốt canxi trong sữa mà còn giúp nhanh chóng giảm vàng da. Các dụng cụ dùng cho trẻ như: thìa, cốc, bình sữa… phải rửa thật sạch, luộc nước sôi trước khi dùng để đảm bảo vệ sinh. Tã lót, quần áo, mũ, bao tay chân… của trẻ cần phải được giặt sạch phơi dưới nắng.

 Chăm sóc trẻ sơ sinh.

  Chăm sóc da và rốn
Trẻ sơ sinh thường có hiện tượng vàng da sinh lý. Vàng da (kèm với tiểu vàng) bắt đầu xuất hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 sau sinh, đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 3, thứ 4, sau đó giảm dần.
Lớp chất “gây” bao phủ bên ngoài da trẻ trong ngày đầu mới sinh có vai trò giữ nhiệt và bảo vệ cho da trẻ. Do vậy, không nên tắm làm sạch chất “gây” trên da bé ngay sau sinh. Từ ngày thứ 2 trở đi, lớp chất “gây” này lại là môi trường rất thuận lợi cho khả năng nhiễm khuẩn da. Chính vì vậy mà sau khi ra đời từ 24-48 giờ, hàng ngày trẻ phải được tắm sạch. Chú ý, khi rốn trẻ chưa rụng thì lúc tắm tránh làm ướt rốn và sau khi tắm xong phải thay ngay băng rốn vô khuẩn cho trẻ.
Rốn của trẻ phải được chăm sóc kỹ từ lúc mới sinh đến khi rốn rụng. Không nên băng kín rốn vì băng kín rốn sẽ tạo môi trường tốt cho vi khuẩn gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn. Để hở rốn sau khi chăm sóc, quấn tã dưới rốn, rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng. Cuống rốn sẽ rụng tự nhiên sau 7-15 ngày. Rốn mới rụng phải giữ khô sạch cho tới khi lên sẹo.
  Dinh dưỡng cho mẹ và bé
Nên cho trẻ nằm cùng mẹ và cho bú càng sớm càng tốt. Trong vòng 30 phút sau sinh nên cho trẻ bú mẹ để tận dụng nguồn sữa non và các chất kháng khuẩn. Cho trẻ bú đúng tư thế sẽ giúp mẹ tiết nhiều sữa cho con. Người mẹ bế trẻ sao cho: Tư thế đầu và thân trẻ thẳng hàng, bụng trẻ áp sát bụng mẹ, mũi trẻ đối diện bầu vú mẹ, tay mẹ nâng đầu, vai và mông trẻ. Trẻ cần được bú nhiều lần trong ngày (ít nhất 8 lần), bú cả ban đêm. Người mẹ nên cho trẻ bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối, không để sữa còn lại trong bầu vú; cho trẻ bú đều cả 2 bên, bú hết bên này mới chuyển sang bên kia, lần sau đổi bên. Phần lớn trẻ sau khi bú dễ bị trớ hoặc nôn ra sữa vừa bú. Để giảm bớt nôn trớ, sau khi trẻ bú, bế trẻ đứng 5-10 phút, đến khi trẻ ợ hơi xong mới cho trẻ nằm. Khi trẻ mới bú xong, tránh các thao tác thay tã hay quần áo vì dễ làm trẻ ọc sữa.
Hiện nay, vẫn còn phổ biến tình trạng sản phụ phải ăn cơm với muối tiêu, thịt kho thật mặn, kiêng cữ canh, rau, trái cây. Điều này làm cho bà mẹ khó ăn uống, thiếu năng lượng, mệt mỏi, táo bón, thiếu canxi, trong khi cơ thể người mẹ cần dinh dưỡng để bù năng lượng đã mất do sinh nở và cho trẻ bú. Do vậy, các bà mẹ phải ăn uống đủ thành phần thịt, cá, trứng, rau, trái cây và uống sữa thêm, uống nhiều nước, chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
SKĐS