Category Archives: Vợ Chồng Thời Nay

Chỉ muốn có một nửa ông chồng


Linh vừa trở về sau chuyến đi biển cuối tuần với Khải. Linh đã ly hôn, có đứa con gái lên sáu. Khải cũng chia tay vợ ba năm rồi, có con trai lên năm, đang sống với mẹ.

Họ quen nhau hơn hai năm, có đủ mọi điều kiện thuận lợi để cùng xây dựng lại hạnh phúc, nhưng Linh chưa muốn tiến tới: “Bây giờ mình chỉ muốn có một nửa… ông chồng thôi!”.

“Đói lòng ăn nửa trái sim?”

Vì sao chỉ cần một nửa? Với Linh, cuộc hôn nhân đã qua vẫn còn để lại nhiều ám ảnh nặng nề. Linh kể: “Thời con gái mình đi làm về có sẵn cơm ăn. Ăn xong thích thì giúp mẹ rửa chén, hôm nào mệt thì thôi. Có chồng rồi, chiều phải quáng quàng chạy về, lao vào bếp nấu cơm với mẹ chồng. Chờ cả nhà chồng ăn xong mới dọn dẹp. Lên phòng riêng lại phải lo cho chồng, cho con mình. Chồng thì chỉ xem tivi, đọc báo. Mình mà nhờ giúp cái gì là mẹ chồng nhăn nhó, em chồng nhún vai. Tưởng ra riêng sẽ đỡ khổ hơn, ai ngờ chồng lại đi bù khú với bạn bè, việc nhà cũng chỉ mình gánh vác. Đã vậy, chồng mình còn có bồ bịch bên ngoài. Anh ấy khẳng định: “Chỉ là bạn cho vui thôi”, nhưng lại thường xuyên dành thời gian đi uống cà phê, ăn sáng, ăn trưa cùng cô ấy. Mình nghĩ: Vậy là cô ấy đã chia hết của mình một nửa ông chồng rồi, mà lại lấy đi cái phần hay ho nhất nữa. Vậy nên ly hôn! Từ “kinh nghiệm” đó, giờ mình chỉ muốn có một nửa ông chồng thôi!”.

Tưởng Linh là “chim sợ cành cong”, không dám lập gia đình thêm lần nữa nhưng Lan Anh, đang làm phiên dịch tiếng Hàn cho một công ty xây dựng, đã có người yêu bảy năm rồi, cũng chưa muốn cưới. Hỏi lý do, Lan Anh phân bua: “Đi làm về đã rất mệt, có lúc chẳng còn muốn nói chuyện với ai. Thấy bạn bè có gia đình, phải gánh đủ thứ trách nhiệm nặng nề, em ngán ngẩm quá. Yêu thì cứ yêu, cà phê, du lịch, chia sẻ vui buồn thoải mái, xong rồi ai về nhà nấy, vậy mà em thấy thoải mái hơn. Kể ra như vậy là em cũng đang có… một nửa ông chồng đấy!”. Hỏi Lan Anh không sợ mất người yêu sao? Cô chỉ cười: “Cưới rồi chưa chắc đã giữ được. Thôi thì mất ông này mình kiếm ông khác. Cưới làm chi nguyên một ông chồng. Mệt lắm!”.

Chị Kim là chị bà con của tôi, đã chia tay chồng hơn 10 năm. Hai năm nay, chị cặp bồ với một ông thầu xây dựng đã có vợ con ở tỉnh, dù đang vài người cũng muốn “rổ rá cạp lại” với chị. Gia đình giận, không thèm nói đến việc của chị. Chị cáu lên: “Tôi chỉ có lỗi với vợ con ông ấy thôi, còn không có lỗi với ai nữa hết! Xét cho cùng, tôi đâu có giành hết ông ấy cho tôi? Tôi chỉ muốn có người để tâm sự, đi chơi. Vợ ông ấy ở quê xa, ông ấy cũng cần người chia sẻ. Chúng tôi bù đắp cho nhau những gì cả hai đang thiếu, chẳng ai muốn sở hữu ai hết”.

Hôn nhân không truyền thống

Cả ba người phụ nữ kể trên đều không bồng bột sống thử như tuổi mới lớn, cũng không lừa lọc, giả dối trong tình cảm. Họ bày tỏ rất thật nhu cầu mình đang cần và người kia cũng thấy hợp lý, đồng tình.

Hôm Linh đi mổ ruột thừa, Khải lo lắng chăm sóc và cả đưa đón con Linh đi học. Lúc mẹ Lan Anh bị bệnh nặng cần gấp máu để cấp cứu, bạn trai cô sẵn sàng cho máu trực tiếp. Chị Kim bị mất xe, anh bạn thầu xây dựng tặng luôn một chiếc xe mới để đi làm. Tuy không ràng buộc về pháp lý hay quan hệ gia đình nhưng họ vẫn sống khá tình nghĩa và chân thật với nhau.

Tuy nhiên, nhiều người đã lên án kiểu sống “già nhân ngãi non vợ chồng” của họ. Có người còn cho rằng, sống như thế chỉ đàn ông có lợi, phụ nữ thì đang bị lợi dụng vì có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào, khi người đàn ông đã no xôi chán chè. Chưa kể đến ngày hương sắc tàn phai thì liệu có ma nào còn ở lại bên mình để chăm sóc?

Với những lời ra tiếng vào ấy, các chị thẳng thắn phản bác. Linh nói: “Tôi chỉ biết hiện tại tôi đang hạnh phúc và thoải mái trong cuộc sống. Tôi không ràng buộc anh ấy. Chúng tôi tự nguyện gắn bó. Vì thế, tôi loại trừ được cảm giác ghen tuông hay nghi ngờ, vì đã thỏa thuận là yêu thương và tôn trọng nhau. Khi một trong hai cần ra đi bất kỳ lúc nào, người kia sẽ không giữ lại. Mà hình như do thỏa thuận như thế nên cả hai đều thấy dễ chịu, chẳng ai dại gì ra đi khi luôn vui vẻ thế này”.

Đôi cũng thấp thoáng ý nghĩ kết hôn nhưng Lan Anh lại nghĩ: “Nhiều người phụ nữ có chồng hẳn hoi mà lúc ốm đau, hoạn nạn, là lúc cần ông chồng nhất, thì ông chồng lại… biến mất! Trong khi tôi với anh rất vui, rất tự do và rất quan tâm, chăm sóc nhau, như vậy không quá đủ cho một cuộc sống nghĩa tình sao mà phải kết hôn? Nếu anh ấy bỏ tôi khi tôi gặp bất hạnh, thì giả sử anh ấy có là chồng tôi liệu tôi có giữ được không?”.

Chị Kim càng vô tư: “Sống vầy mới vui. Khỏi nấu cơm, khỏi giặt quần áo, khỏi hầu hạ ai. Chỉ chia nhau những vui buồn trong cuộc sống cho đời thú vị hơn thôi. Mình chỉ có một nửa… ông chồng, thì lấy cái nửa hạnh phúc và sung sướng, còn nửa kia để ổng… tự xử!”.

Với câu hỏi lỡ mai già không ai kề cận chia sẻ vui buồn… các chị đều cười: “Đâu phải có nguyên ông chồng thì sẽ được sớm hôm kề cận, an ủi lúc tuổi già? Điều đó do hên xui thôi!”.

Thật tình chẳng biết ai đúng, ai sai, nhưng hình như… vì bao nhiêu gánh nặng từ xã hội cho đến gia đình cứ dồn lên vai người phụ nữ nên đã tạo sức ép, khiến nhiều người có cảm giác sợ hôn nhân.

Theo PNO

Sáng đi học, chiều làm vợ chồng, tối…. ai về nhà nấy

Sáng đi học, chiều làm vợ chồng, tối…. ai về nhà nấy
“Vợ vợ, chồng chồng” đầy tự hào trước ánh mắt ngưỡng mộ của “bọn đàn em”, một bộ phận 9X lao vào sống thử như một cái mốt…
1/ Yêu là… mất ở trong nhà một ít
“…Vì mấy khi yêu mà lại được cho”. Khổ nỗi teen cho từ A – Z. Teen dắt tay nhau đi sắm sanh từ bát đũa, nồi niêu, xoong chảo cho đến những em “đi – di – tồ” pro “như người nhớn”: bếp ga, ti vi, tủ lạnh. Công cuộc xây móng này chủ yếu là nhiệm vụ của các cậu ấm, “Ai lại để cho con vợ phải lo những chuyện tẹp nhẹp”. Tiền ý thì tất nhiên không phải trên trời rơi xuống mà được chuyển hoá từ xiền học thêm, xiền ăn sáng, xiền chi tiêu hàng tháng… Đau lòng hơn, có teen trở thành “chuột” đục khoét “bồ thóc” nhà.
Một trong những lí do chủ yếu “vẽ đường cho hươu chạy” là các chủ trọ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bất chấp hậu quả khôn lường. “Vợ chồng nhí” thường rộng tay, trả tiền nhanh, gọn ai mà không sướng? Vậy là mặc những quy chuẩn rất nhiều chủ trọ đã nhắm mắt làm bừa.
Sáng đi học, chiều làm vợ chồng, tối... ai về nhà nấy
Sáng đến lớp học…
Không ít “cậu ấm, cô chiêu” sáng sáng đến lớp bình thường. Trưa, chiều thay bằng việc học phụ đạo, học nhóm,… thì có một số teen nhà ta “vợ vợ, chồng chồng” bên nhau. Rồi tối đến ai về nhà nấy, ác chiến hơn có chàng và nàng nói dối ngủ nhà bạn, thế là “overnight” luôn. Có những phòng trọ của vợ chồng teen “đẳng cấp Vip” khiến người nhớn nhìn vào phải ghen tị, “đì zai” cực kì có gu. Chắc hẳn chủ của nó phải “đại gia” lắm. Không ít 9X sống thử là do: “8X làm nhan nhản, sao 9X lại không?”, “sống… “thật” như thế mà bảo là sống thử”. Một số trường hợp do bố mẹ mải làm ăn, không để ý đến những diễn biến tâm lý của con cái trong giai đoạn nhạy cảm nhất. Hay có những teen quan niệm: “Đã yêu là phải dâng hiến hết cho nhau”. Để rồi không ít bi hài kịch đã diễn ra.
2/ “Ly hôn”
Vốn được nuông chiều nên khi “vợ” phải động chân động tay “việc nhà” nhìu là rất dễ xung đột. Teen còn quá trẻ để có thể hoá giải những xích mích khi sống chung. Báo hại cho “hàng xóm” của “những cặp vợ chồng trẻ” này phải nghe teen: “45 phút dân ca và nhạc cổ truyền”, nhiều teen boy không ngần ngại túm tóc, gõ đầu, tát “vợ’’. Anh, ả chả ai chịu ai, quay sang xử nhau, kết cục là “ly dị” cho nhanh. Có những đôi bố mẹ bắt được quả tang, túm cổ lôi về. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì còn đỡ. Nhìu teen “yếu vì ôm, ốm vì yêu”. Teen tự vẽ hành trình yêu: ‘Tỏ tình – yêu – sống thử – nhà hộ sinh’. Yêu “hết mình”: teen, đặc biệt là teen nữ đã phải gánh những hậu hoạ khôn lường. Có thai, không ít những ca phát hiện muộn đã phải làm mẹ ở tuổi trăng rằm, cái tuổi mà “ăn, học còn chưa xong, huống hồ là làm mẹ”. Hầu hết 9X sống thử chưa trang bị đầy đủ những kiến thức cần có, thậm chí cụm từ “tình dục an toàn” có chăng cũng chỉ lờ mờ hiểu mà thôi. Kéo theo đó là những hệ luỵ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Thậm chí có thể là dấu chấm hết cho cánh cổng tương lai của teen.
Theo chân một cặp “vợ chồng teen” đi khám thai, bà mẹ cô bé chốc chốc quay sang lườm nguýt “ông cu con”, thằng bé thì cun cút theo sau rút ví lo khoản viện phí, đôi mắt thất thần, sợ hãi, lúng túng như gà mắc tóc.
Sáng đi học, chiều làm vợ chồng, tối... ai về nhà nấy
… chiều về “xây dựng gia đình”.
3/ Và alô tìm tư vấn viên nào
Anh Nguyễn Minh Hoàng (chuyên viên tư vấn của trang web Tâm sự bạn trẻ – trang tư vấn về HIV và giới tính cho thanh thiếu niên) cho biết, về mặt sinh học nếu quan hệ khi tuổi còn quá trẻ, bộ phận sinh dục rất dễ bị tổn thương, xây xước khiến nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS, sẽ lớn hơn. Tình dục, cho dù là ở lứa tuổi nào, thì cũng chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó xuất phát từ tình yêu chân thành; từ sự chuẩn bị kĩ càng cả về thể chất lẫn tinh thần của người tham gia.
Đã đến lúc các bậc phụ huynh quan tâm đến diễn biến tâm lý của con em mình nhiều hơn. Và hơn bao giờ hết, xã hội cần có một cái nhìn sâu sát hơn với vấn đề trên, tránh giải quyết một cách áp đặt, thiếu thực tế. Cũng theo anh Hoàng: “Nếu có những thứ đang diễn ra trong lối sống của giới trẻ là không tốt thì chúng ta hãy coi nó như là một cơn lũ, không thể tránh được thì tốt hơn hết là học cách sống chung, tìm cách “chỉnh trị”, nắn dòng nước lũ vào luồng”.
“Thất bại là mẹ của thành công” nhưng có những thất bại khiến con người không bao giờ có thể đứng dậy được. Sống có trách nhiệm với chính bản thân mình cũng là cách 9X thể hiện trách nhiệm với xã hội. Giống như loài chim, rèn cho đôi cánh cứng cáp mới đủ sức bay về phương Nam trong những ngày đông buốt giá.

Sinh viên "thử" làm vợ chồng

Tôi vụt ra khỏi bệnh viện, chạy ào vào bóng đêm sợ ai đó sẽ nhìn thấy mình. Phố xá đã đi ngủ cả. Tôi chỉ lo hão. Dù vậy, đôi tay tôi vẫn run run. Cái túi đang cầm trên tay không nặng nhưng lòng tôi trĩu nặng.
Nỗi đau đớn trào lên tận cổ, lên mặt và ào ra ở mắt. Mi ướt nhòe, vị mặn chát hiện rõ ở đầu môi. Luống cuống nói một câu “bố xin lỗi”, tôi quẳng túi xách trên tay vào một bụi rậm ven đường.
Tôi – Một sinh viên năm nhất bước vào đời bằng niềm hăm hở. Cuộc sống xa nhà nhiều lạ lẫm. Cái gì cũng làm tôi thích thú. Sau những buổi học tôi thường đạp xe vòng quanh thành phố để khám phá những điều mới lạ.
Cùng xóm trọ với tôi có bốn anh học khóa trên. Ai cũng có người yêu cả. Anh Toàn học trên tôi 2 khóa còn có “vợ”. Chị Thu – cùng lớp – về ở với anh đã hơn 1 năm. Hai anh chị suốt ngày quấn quýt bên nhau, đi học cùng nhau, nấu cơm cùng nhau và tất nhiên họ làm cả “chuyện ấy” cùng nhau.  
Không kiền chế được mình nhiều bạn trẻ đã phải ân hận cả đời – Ảnh minh họa

Ban đầu tôi thấy chướng mắt. Họ chưa là vợ chồng kia mà. Sống với nhau như thế chắc gì đã lấy được nhau? Sau này ra trường mỗi người mỗi phận thì sao? Mấy anh trong xóm mắng: “Mày trẻ con quá. Thời buổi bây giờ ai chả thế. Bọn anh cũng vậy thôi. Không ở cùng nhau nhưng thi thoảng cũng phải “cưỡi ngựa” sang các nàng chứ. Nhất là cuối tuần. Thứ bảy máu chảy về tim mà”.

Các anh đi thật. Thứ bảy, chủ nhật nào cũng vậy. Có lần còn đưa cả người yêu về “trò chuyện” cả đêm. Dần dần tôi cũng quen với cảnh sống ấy, tự nhủ: “mình không như họ là được”.
Hàng ngày đập vào mắt tôi là cảnh sống “vợ vợ – chồng chồng”. Họ gọi nhau bằng những tiếng thân thương. Họ cùng ăn những bữa cơm vui vẻ. Còn tôi, một mình lầm lũi. Đôi khi họ sống vô tư thái quá. Trước mặt mọi người vẫn ôm hôn một cách hồn nhiên. Tôi đỏ mặt quay đi, anh Toàn bảo: “Cái thằng… như con gái”.
Các anh quyết tâm “đào tạo bổ sung” cho tôi một khóa học về tình yêu. Anh Toàn bảo: “Học không yêu phí hoài tuổi trẻ”. Anh Minh nói: “Có “vợ” sướng lắm. Vừa có người lo cơm nước, lại có chỗ để… giải quyết nỗi buồn”. Tôi bảo: “Em chưa nghĩ đến chuyện đó”.
Thực ra tôi đã thầm yêu Quỳnh – cô bạn gái cùng lớp – khá xinh và có vẻ hiền lành. Hai đứa rất hợp nhau. Tôi chỉ nói nửa câu là Quỳnh đoán được ý và tôi cũng thế. Có khi hai đứa bỗng bật ra một câu giống nhau và cười sảng khoái. Quỳnh chắc chắn cũng có tình cảm với tôi. Nhiều lần đi chơi chỉ có hai đứa, tôi cố tình “thăm dò” bằng những va chạm thân thể, Quỳnh không phản đối. Biết vậy, tôi vẫn quyết nuôi dưỡng một tình yêu trong sáng.
Nhưng hàng ngày bên cạnh tôi vẫn có những đôi “vợ chồng”. Đêm xuống phòng nào phòng nấy đóng cửa rúc rích. Đôi khi tôi thấy chạnh lòng.
Một đêm Quỳnh chạy vào phòng tôi. Mọi người được nghỉ đã về quê. Trời mùa hạ mưa to. Quỳnh bảo đi học tiếng Anh về mắc mưa. Tôi, với cảnh sống hàng ngày nơi xóm trọ, với những clip nóng bỏng mà các anh khóa trên cho tôi xem để chứng minh sự “sung sướng” của tình yêu. Tất cả như những thước phim quay chậm hiện ra trước mắt. Còn Quỳnh, Quỳnh đẹp lộng lẫy hiện hữu ngay trước mặt tôi. Hưng phấn và tò mò, rạo rực và thôi thúc, tôi, Quỳnh hòa vào nhau trong miên man khoái lạc.
Hai tháng sau Quỳnh thông báo có thai. Cả tôi và Quỳnh đều bối rối không biết làm sao. Chị Thu nói: “Phá đi. Không sao đâu. Để chị cho địa chỉ”. Tôi đưa Quỳnh vào bệnh viện. Quỳnh sợ, mặt tái xám, nấc nghẹn từng hồi. Tôi ở ngoài run rẩy và sợ hãi. Cửa mở, cô y tá đưa cho tôi túi nhau thai bảo đem vứt. Tôi cuống quýt không biết vứt đi đâu. Ngoái lại nhìn thấy Quỳnh xanh lét và yếu ớt.
Mọi chuyện sau đó thì mọi người đã rõ. Khi kể câu chuyện này tôi không hề có ý giáo dục ai cả. Tôi không đủ tư cách để làm việc ấy. Chỉ mong sao các bạn trẻ đừng vì một phút xao lòng mà giết chết một tình yêu đẹp và một sinh linh bé bỏng chưa kịp chào đời. Bất giác tôi nghĩ đến chị Thu, anh Toàn và những người trong xóm trọ của tôi, thoáng rùng mình vì cách sống dễ dãi của họ.
(Theo GiaDinh)

Làm vợ chồng, làm cha mẹ không đơn giản!

Lam vo chong lam cha me khong de
Nhiều bậc cha mẹ hiện nay rất chú ý giáo dục con về lòng nhân ái, san sẻ yêu thương; như một cách xây dựng hạnh phúc gia đình. Trong ảnh: bé Phương Uyên (giữa) được ba má đưa đến báo TS đóng góp từ thiện – Ảnh: M.C.

Đã “trả con trai về cho má”, ra đi nhưng H.D. vẫn chưa quên được… bà mẹ chồng. “Khó chịu lắm. Kiểm soát tài chính của vợ chồng mình, điều khiển chi tiêu; trong khi mọi chi tiêu dồn vào vợ chồng mình, lương hưu mẹ cho em gái chồng đã lập gia đình. Mình muốn mua gì cho con cũng phải mua cho cháu ngoại của bà…”.

Rắc rối từ quê ra phố
Một cô vợ trẻ khác thì luôn “tức” mẹ chồng, lý do là bà hay rót vào tai con dâu những mẩu chuyện về… cô này, cô nọ ngày xưa của anh ấy. Có lúc làm như vô tình, bà nói: “Số phận làm sao ấy chứ con tôi nhiều cô mê lắm”. “Nghe mà muốn phát điên” – cô vợ kết luận.
Mẹ chồng khiến lắm con dâu chưa hài lòng; nhưng lắm con dâu lại “đối sách” với mẹ chồng rất… quái chiêu, khiến người ở giữa là ông chồng luôn cảm thấy buồn phiền, cuộc sống trở thành địa ngục. Cuối cùng, người phá bĩnh lại là chính ông chồng. Trên một diễn đàn, một chị lo lắng: “Tôi phải ứng xử sao cho vừa lòng chồng? Tôi rất ức khi chồng luôn so sánh: sao em không khéo như chị anh; sao em không giống như mẹ anh…”.
Ông Nguyễn Văn Tiên (Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho biết qua khảo sát thực tế, đang và đã có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống gia đình. Tại Thanh Hóa, một gia đình đã nhốt và châm lửa đốt… con dâu vì nghi ngờ con dâu ngoại tình.
Tại Lào Cai, một ông chồng là thanh tra suốt ngày đánh đập chị vợ là giáo viên THPT. Tại ĐBSCL, rất nhiều thanh niên nam nữ tự tử chỉ vì lý do cha mẹ la rầy… “Bạo lực và những rắc rối không chỉ xảy ra ở gia đình nông thôn, học vấn thấp, mà ở cả những gia đình trí thức, học vấn cao và kinh tế khá giả” – ông Tiên nói.
Khảo sát năm năm gần đây, tòa án các địa phương đã thụ lý trên 186.000 vụ ly hôn do bạo lực gia đình. Làm sao để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc là điều rất cần phải… học.
Chính vì vậy, một trong những điều quan trọng nhất của bộ luật về phòng chống bạo lực gia đình (dự kiến sẽ được trình Quốc hội tháng mười tới) là giáo dục, tư vấn trước hôn nhân, về cả những hạnh phúc và… rắc rối sẽ có, không chỉ cho các nam thanh nữ tú chuẩn bị kết hôn mà cho cả người sắp làm cha mẹ chồng, cha mẹ vợ.

Học làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ…

Đang chuẩn bị thực hiện một cuộc khảo sát về thực trạng, nhu cầu… giáo dục trước hôn nhân, ông Đinh Văn Quảng – phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Ủy ban Dân số – gia đình và trẻ em) – ví von: “Luật pháp qui định đi xe máy phải cần bằng lái. Vậy mà chuẩn bị việc trao thân gửi phận, chung sống cả cuộc đời dài dằng dặc cho hai con người lại chẳng cần… bằng cấp gì”.
“Bằng cấp trước hôn nhân”? Ông Đinh Văn Quảng nói: đó chẳng phải điều gì xa lạ mà gắn bó với cuộc sống của chúng ta, vì thế nhiều người cho là… chuyện nhỏ, chuyện bình thường, tự nhiên, không cần phải học.
“Cuộc sống hôn nhân rất cần các kiến thức về tình yêu, làm mẹ, làm vợ, làm chồng, quan hệ ứng xử trong gia đình, làm kinh tế, các tình huống, những bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống gia đình… Thậm chí làm cha mẹ chồng, cha mẹ vợ như thế nào cho tốt cũng rất cần được tư vấn, giáo dục” – ông Quảng cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Tiên, điều quan trọng trong giáo dục tiền hôn nhân là kỹ năng sống cá nhân và kỹ năng sống trong môi trường gia đình. “Sống trong gia đình, mỗi người cần nín nhịn một chút chứ không chỉ bắt người phụ nữ phải nín nhịn. Rồi các kiến thức như kỹ năng đàm phán, làm thế nào để hòa hợp với gia đình mới… cũng rất cần phải học tập” – ông Tiên nói.
Ông Đinh Văn Quảng cho biết thêm: các lớp học làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ… có thể sẽ được tổ chức theo mô hình câu lạc bộ. Người chuẩn bị kết hôn, chuẩn bị làm cha mẹ chồng, cha mẹ vợ… sẽ là những người được ưu tiên, trong đó các chuyên gia tư vấn tâm lý khẳng định: con cái luôn mong muốn cha mẹ công bằng, là tấm gương cho con cháu; còn cha mẹ luôn mong muốn con cái thành đạt, biết ứng xử và thương yêu nhau. Làm sao để đạt được những mong muốn này? Đó chính là điều các câu lạc bộ tiền hôn nhân phải đạt được.