Category Archives: Quan Hệ Gia Đình

Chỉ muốn có một nửa ông chồng


Linh vừa trở về sau chuyến đi biển cuối tuần với Khải. Linh đã ly hôn, có đứa con gái lên sáu. Khải cũng chia tay vợ ba năm rồi, có con trai lên năm, đang sống với mẹ.

Họ quen nhau hơn hai năm, có đủ mọi điều kiện thuận lợi để cùng xây dựng lại hạnh phúc, nhưng Linh chưa muốn tiến tới: “Bây giờ mình chỉ muốn có một nửa… ông chồng thôi!”.

“Đói lòng ăn nửa trái sim?”

Vì sao chỉ cần một nửa? Với Linh, cuộc hôn nhân đã qua vẫn còn để lại nhiều ám ảnh nặng nề. Linh kể: “Thời con gái mình đi làm về có sẵn cơm ăn. Ăn xong thích thì giúp mẹ rửa chén, hôm nào mệt thì thôi. Có chồng rồi, chiều phải quáng quàng chạy về, lao vào bếp nấu cơm với mẹ chồng. Chờ cả nhà chồng ăn xong mới dọn dẹp. Lên phòng riêng lại phải lo cho chồng, cho con mình. Chồng thì chỉ xem tivi, đọc báo. Mình mà nhờ giúp cái gì là mẹ chồng nhăn nhó, em chồng nhún vai. Tưởng ra riêng sẽ đỡ khổ hơn, ai ngờ chồng lại đi bù khú với bạn bè, việc nhà cũng chỉ mình gánh vác. Đã vậy, chồng mình còn có bồ bịch bên ngoài. Anh ấy khẳng định: “Chỉ là bạn cho vui thôi”, nhưng lại thường xuyên dành thời gian đi uống cà phê, ăn sáng, ăn trưa cùng cô ấy. Mình nghĩ: Vậy là cô ấy đã chia hết của mình một nửa ông chồng rồi, mà lại lấy đi cái phần hay ho nhất nữa. Vậy nên ly hôn! Từ “kinh nghiệm” đó, giờ mình chỉ muốn có một nửa ông chồng thôi!”.

Tưởng Linh là “chim sợ cành cong”, không dám lập gia đình thêm lần nữa nhưng Lan Anh, đang làm phiên dịch tiếng Hàn cho một công ty xây dựng, đã có người yêu bảy năm rồi, cũng chưa muốn cưới. Hỏi lý do, Lan Anh phân bua: “Đi làm về đã rất mệt, có lúc chẳng còn muốn nói chuyện với ai. Thấy bạn bè có gia đình, phải gánh đủ thứ trách nhiệm nặng nề, em ngán ngẩm quá. Yêu thì cứ yêu, cà phê, du lịch, chia sẻ vui buồn thoải mái, xong rồi ai về nhà nấy, vậy mà em thấy thoải mái hơn. Kể ra như vậy là em cũng đang có… một nửa ông chồng đấy!”. Hỏi Lan Anh không sợ mất người yêu sao? Cô chỉ cười: “Cưới rồi chưa chắc đã giữ được. Thôi thì mất ông này mình kiếm ông khác. Cưới làm chi nguyên một ông chồng. Mệt lắm!”.

Chị Kim là chị bà con của tôi, đã chia tay chồng hơn 10 năm. Hai năm nay, chị cặp bồ với một ông thầu xây dựng đã có vợ con ở tỉnh, dù đang vài người cũng muốn “rổ rá cạp lại” với chị. Gia đình giận, không thèm nói đến việc của chị. Chị cáu lên: “Tôi chỉ có lỗi với vợ con ông ấy thôi, còn không có lỗi với ai nữa hết! Xét cho cùng, tôi đâu có giành hết ông ấy cho tôi? Tôi chỉ muốn có người để tâm sự, đi chơi. Vợ ông ấy ở quê xa, ông ấy cũng cần người chia sẻ. Chúng tôi bù đắp cho nhau những gì cả hai đang thiếu, chẳng ai muốn sở hữu ai hết”.

Hôn nhân không truyền thống

Cả ba người phụ nữ kể trên đều không bồng bột sống thử như tuổi mới lớn, cũng không lừa lọc, giả dối trong tình cảm. Họ bày tỏ rất thật nhu cầu mình đang cần và người kia cũng thấy hợp lý, đồng tình.

Hôm Linh đi mổ ruột thừa, Khải lo lắng chăm sóc và cả đưa đón con Linh đi học. Lúc mẹ Lan Anh bị bệnh nặng cần gấp máu để cấp cứu, bạn trai cô sẵn sàng cho máu trực tiếp. Chị Kim bị mất xe, anh bạn thầu xây dựng tặng luôn một chiếc xe mới để đi làm. Tuy không ràng buộc về pháp lý hay quan hệ gia đình nhưng họ vẫn sống khá tình nghĩa và chân thật với nhau.

Tuy nhiên, nhiều người đã lên án kiểu sống “già nhân ngãi non vợ chồng” của họ. Có người còn cho rằng, sống như thế chỉ đàn ông có lợi, phụ nữ thì đang bị lợi dụng vì có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào, khi người đàn ông đã no xôi chán chè. Chưa kể đến ngày hương sắc tàn phai thì liệu có ma nào còn ở lại bên mình để chăm sóc?

Với những lời ra tiếng vào ấy, các chị thẳng thắn phản bác. Linh nói: “Tôi chỉ biết hiện tại tôi đang hạnh phúc và thoải mái trong cuộc sống. Tôi không ràng buộc anh ấy. Chúng tôi tự nguyện gắn bó. Vì thế, tôi loại trừ được cảm giác ghen tuông hay nghi ngờ, vì đã thỏa thuận là yêu thương và tôn trọng nhau. Khi một trong hai cần ra đi bất kỳ lúc nào, người kia sẽ không giữ lại. Mà hình như do thỏa thuận như thế nên cả hai đều thấy dễ chịu, chẳng ai dại gì ra đi khi luôn vui vẻ thế này”.

Đôi cũng thấp thoáng ý nghĩ kết hôn nhưng Lan Anh lại nghĩ: “Nhiều người phụ nữ có chồng hẳn hoi mà lúc ốm đau, hoạn nạn, là lúc cần ông chồng nhất, thì ông chồng lại… biến mất! Trong khi tôi với anh rất vui, rất tự do và rất quan tâm, chăm sóc nhau, như vậy không quá đủ cho một cuộc sống nghĩa tình sao mà phải kết hôn? Nếu anh ấy bỏ tôi khi tôi gặp bất hạnh, thì giả sử anh ấy có là chồng tôi liệu tôi có giữ được không?”.

Chị Kim càng vô tư: “Sống vầy mới vui. Khỏi nấu cơm, khỏi giặt quần áo, khỏi hầu hạ ai. Chỉ chia nhau những vui buồn trong cuộc sống cho đời thú vị hơn thôi. Mình chỉ có một nửa… ông chồng, thì lấy cái nửa hạnh phúc và sung sướng, còn nửa kia để ổng… tự xử!”.

Với câu hỏi lỡ mai già không ai kề cận chia sẻ vui buồn… các chị đều cười: “Đâu phải có nguyên ông chồng thì sẽ được sớm hôm kề cận, an ủi lúc tuổi già? Điều đó do hên xui thôi!”.

Thật tình chẳng biết ai đúng, ai sai, nhưng hình như… vì bao nhiêu gánh nặng từ xã hội cho đến gia đình cứ dồn lên vai người phụ nữ nên đã tạo sức ép, khiến nhiều người có cảm giác sợ hôn nhân.

Theo PNO

Ngại ngần trước quyết định ở riêng

Nhiều lần muốn bàn chuyện ở riêng nhưng Hoài còn ngần ngại. Cô sợ khi đòi ra ngoài sống, bố mẹ và anh em bên nhà chồng sẽ đánh giá này nọ.
Vợ chồng Hoài (Từ Liêm, Hà Nội) dư kinh tế để tách ra ngoài ở. Tú – chồng Hoài, do mệt mỏi với chuyện ở chung nhà cùng vợ chồng ông anh trai, cũng rất tán thành chuyện ở riêng.
“Nhiều lần tôi cũng muốn ‘dứt áo ra đi’ nhưng vì thương bố mẹ chồng nên đành ở lại. Bà chị dâu sống chung nhà vốn lười nên mọi việc (cơm nước, quần áo) đều do một tay tôi đảm nhiệm. Nếu ra ngoài, ai sẽ giúp bố mẹ chồng” – Hoài chia sẻ.
Chưa dám “đẩy” mẹ chồng sang cho bác cả
Khủng khiếp hơn Hoài, Linh (Đà Nẵng) phải chịu cảnh “đàn áp” của mẹ chồng, từ ngày về làm dâu. Mẹ chồng Linh không cho vợ chồng cô có tài khoản riêng, không được giữ chìa khóa riêng, công việc gia đình thuộc về con dâu và con dâu không được phép đi chơi cũng như đi học vào buổi tối.
“Có hôm mệt rã rời mà mình vẫn phải ngồi dưới phòng khách gọt hoa quả, xem tivi mới mẹ chồng chứ không được lên phòng sớm” – Linh tâm sự. Những chuyện ăn uống hàng ngày cũng được mẹ chồng Linh tính toán rất chi li. Nếu quả dưa hấu đã được bổ làm đôi, một nửa ăn vào buổi tối ngày hôm nay thì một nửa quả dưa sẽ để đến ngày mai. Có lần, Linh trót ăn thêm một miếng dưa liền bị mẹ chồng thẳng tay giật lại.
Chồng Linh cũng bất mãn với mẹ đẻ nên cương quyết đòi tách riêng. Theo đó, mẹ chồng Linh sẽ sang sống cùng vợ chồng anh trai cả nhưng Linh còn thấy ái ngại. Cô sợ mẹ chồng không đồng ý, sẽ thêm ghét con dâu.
Ở riêng, mẹ chồng – nàng dâu quý nhau hơn
Ngân (Hải Phòng) có gần chục năm trời stress vì mẹ chồng. Do khác nhau về lối sống nên mẹ chồng Ngân luôn sinh hoạt trái ngược hẳn với con dâu. Mâu thuẫn đến mức, có khi vài ngày, Ngân không nói với mẹ chồng nửa câu vì nếu cô có đóng góp ý kiến thì mẹ chồng – con dâu sẽ cãi cọ.
Bỗng nhiên, người chị chồng (đã ly hôn và sinh sống bên Nga) về nước, mẹ chồng Ngân muốn dọn ra ở cùng con gái. “Thoát” khỏi mẹ chồng, Ngân tươi tỉnh hẳn, còn mẹ chồng cũng không vì chuyện cơm nước hay cho cháu ăn bột mà xung đột với con dâu nữa.
“Ở riêng, tôi được mẹ chồng quý hơn. Cuối tuần, tôi cũng mong ngóng được gặp bà dù trước kia, đã có lúc, mẹ con không muốn nhìn mặt nhau” – Ngân cho biết.
Ở riêng chưa hẳn là xấu
Sống riêng là để tạo tâm lý thoải mái cho đôi bên và giúp người vợ gìn giữ hạnh phúc gia đình chứ không phải để con dâu xa cách hay thoái thác trách nhiệm làm dâu với nhà chồng.
Nếu không thoải mái với nhà chồng và có điều kiện, người vợ nên trao đổi chuyện sống riêng với chồng. Vợ chồng nên cân nhắc kỹ lưỡng để chuyện này không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa con dâu và nhà chồng.
Cuộc sống chung đầy áp lực sẽ tác động liên hoàn theo kiểu Domino lên hạnh phúc vợ chồng: Căng thẳng với nhà chồng -> người vợ trở nên bẳn gắt -> gây bức bối cho chồng, đến một lúc nào đó, sức chịu đựng của chồng không còn -> gây gổ với vợ -> gia đình tan nát.
Muốn tránh va chạm với gia đình nhà chồng, con dâu chỉ còn cách xin ra ở riêng. Chỉ còn cách sống xa nhau, con dâu mới tránh được tối đa mâu thuẫn không cần thiết với nhà chồng.
Tâm lý “xa thương, gần ghét” được duy trì, con dâu sẽ có suy nghĩ tốt hơn về nhà chồng và ngược lại. Khi ấy, mọi mối quan hệ đều trở nên tốt đẹp.

Theo Mẹ và bé

Khi nàng dâu không chịu… làm dâu!

    Trường hợp 1: Ở riêng để không phải “làm con ai” Trước khi làm đám cưới, Thảo ra điều kiện với Tuấn “không ở chung với bố mẹ chồng”. Tuấn là con một nên không dễ gì thuyết phục bố mẹ cho ở riêng được, nhưng Thảo nhất quyết: Nếu không ở riêng thì không có đám cưới.
Thảo biện minh rằng “Em không muốn phải là con ai cả vì không biết cách làm dâu. Em không phải là người đảm đang, không biết ứng xử với người già vì ở nhà em đã được cưng chiều. Nếu ở chung với bố mẹ chồng thì sẽ xảy ra cãi vã xung đột”.

Thảo cam đoan với Tuấn: Ra ở riêng mối quan hệ giữa cô và bố mẹ chồng sẽ tốt hơn bởi ít ra hai bên không ai xét nét được ai. Biết Thảo sẽ không “xuống nước” nên Tuấn đành hứa với cô sẽ ra ở riêng sau lễ thành hôn. Cưới được con dâu về, bố mẹ Tuấn khấp khởi mừng thầm vì từ nay nhà có thêm người, hai ông bà già đỡ cô quạnh.
Nhưng niềm vui mừng ấy của ông bà nhanh chóng vụt tắt, sau tuần trăng mật về, vợ chồng Tuấn đến thưa chuyện xin ra ở riêng “để vợ chồng con tự lập vì không muốn phụ thuộc bố mẹ”. Mọi lời can ngăn của hai ông bà già, không thể thuyết phục được quyết tâm ra ở riêng của đôi vợ chồng trẻ. Họ hàng hai bên cũng xúm vào khuyên nhủ Thảo và bảo Tuấn không được nhu nhược phải kiên quyết với vợ.

Song kết quả sau cùng là Thảo vẫn kéo được chồng ra ở riêng trong căn hộ mà trước kia hai người đã mua chung. Chỉ tội nghiệp cho bố mẹ Tuấn, mong có con dâu để đông cửa, vui nhà nhưng khi có rồi thì coi như mất luôn cả cậu con trai duy nhất.

Trước kia, Thảo thỏa thuận với chồng cuối tuần sẽ về thăm bố mẹ chồng một lần, sẽ thường xuyên thăm hỏi sức khỏe bố mẹ và không bao giờ quên việc chu cấp phụng dưỡng. Nhưng từ ngày ra ở riêng, Thảo phần vì bận với công việc ở cơ quan, ngày nghỉ lo chuyện mua sắm, dọn dẹp nhà cửa lại thêm có ác cảm với bố mẹ chồng sau chuyện xin đi ở riêng bị phản đối nên chẳng mấy khi cô về với bố mẹ chồng mà khi về cũng chỉ hỏi vài câu qua loa, lấy lệ.

Mối quan hệ giữa cô và bố mẹ chồng ngày một xấu đi. Bố mẹ Tuấn cứ gặp con trai là khóc than, tủi phận khiến cho anh trở nên cáu bẳn với vợ. Đổ cho bố mẹ chồng tội “xúi bẩy con trai về hắt hủi vợ” nên Thảo tìm cách giữ tiền khư khư, luôn tìm cách gây sự với chồng mỗi khi anh về nhà lấy tiền biếu bố mẹ.

Giận vợ nhiều lần Tuấn bỏ về nhà ở với bố mẹ, Thảo cũng làm căng bỏ đi du lịch. Bố mẹ Tuấn lo cho hạnh phúc của cậu con trai nên cố gắng hàn gắn, xuống nước với cô con dâu đỏng đảnh. Khi Thảo mang thai, mẹ Tuấn đến chăm sóc và động viên cô về ở với ông bà để có người phụ giúp lúc sinh đẻ. Lúc này, Thảo vẫn không chịu “lép vế”, cô vẫn gây căng thẳng, vẫn giữ thái độ không muốn gần gũi với bố mẹ chồng. Đến khi Tuấn không chịu được cái lý lẽ vô lễ của vợ “tôi đi làm vợ, chứ không đi làm con cho ai cả” thì cũng là lúc anh quyết định chờ vợ sinh con xong sẽ tính chuyện ly thân…
    Trường hợp 2: Ở chung nhà nhưng ăn riêng mâm
Cưới nhau xong, Thúy nằng nặc đòi chồng xin bố mẹ ra ở riêng để “hai vợ chồng được tự do, có nhiều khoảng thời gian dành cho nhau và không muốn có những va chạm, xích mích với bố mẹ chồng” nhưng Vị – chồng Thúy không chịu vì nếu ở riêng thì không có nhà ở. Sống chung với gia đình chồng, Thúy luôn có những dè chừng, xét nét mọi lời nói, hành vi của bố mẹ chồng. Nghe bố mẹ Vị nói gì, Thúy cũng suy diễn những điều không hay và tìm cách gây áp lực với chồng.

Cứ vào bữa cơm là Thúy tỏ thái độ giận dỗi Vị khiến bữa cơm gia đình luôn ngột ngạt. Thấy con dâu không “biết thân, biết phận”, bố mẹ Vị quyết định cho hai vợ chồng ăn riêng. Lúc này, Thúy bàn với chồng đi thuê nhà ở nhưng Vị kiên quyết “tôi không phải là thằng lấy vợ về rồi đi theo vợ, bỏ bố mẹ ở nhà một mình”. Thúy phải chấp nhận cảnh sống “một nhà, hai mâm” với bố mẹ chồng.

Nhà có một bếp, một chỗ dọn mâm cơm nên hàng ngày, bố mẹ chồng Thúy nấu nướng, ăn cơm trước. Có nhiều hôm Thúy phải chờ hàng giờ đồng hồ mới có bếp nấu ăn vì mẹ chồng làm lụng chậm chạp. Thúy định chọn giải pháp ra ngoài ăn nhưng Vị một mực “là vợ có mỗi bữa cơm để thể hiện vai trò làm vợ, có mỗi việc đó không xong thì tôi lấy vợ về làm gì”. Trút lên đầu chồng cái tội “chỉ biết có mỗi bố mẹ, coi vợ không ra gì”, Thúy trả đũa bằng cách cô luôn cố ý giành bếp nấu ăn với mẹ chồng, mua nhiều thức ăn ngon, thường xuyên đổ thức ăn đi, không bao giờ chịu mang biếu đồ ăn cho bố mẹ chồng và không nhường bố mẹ Vị ăn cơm trước nữa. Thúy cảm thấy hả hê khi vào bữa ăn, dọn hai mâm cơm ra, mâm của bố mẹ chồng toàn thức ăn đạm bạc, còn bên này, vợ chồng Thúy toàn món ăn ngon, hấp dẫn. Cô càng thấy thỏa mãn mỗi lần Vị mang biếu thức ăn bị bố mẹ trả lại.

Ngày nào, giữa Thúy và mẹ chồng cũng có những trận cãi vã về chuyện nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Nhiều lúc Thúy cố tình làm bừa bộn nhà cửa để “trêu ngươi” mẹ chồng. Vị thì ngày một trở nên cục cằn với vợ hơn, mỗi bận vợ cãi vã với mẹ, anh lại “nổi khùng” ra ngoài uống rượu, đi đánh bạc. Anh cũng muốn “trả đũa” vợ vì “cô đối xử không tốt với bố mẹ tôi thì đừng mong tôi là con rể tốt”. Chẳng mấy khi Vị đến thăm hỏi bố mẹ vợ.

Cuộc sống vợ chồng của Thúy liên tục xảy ra những xung đột. Bố mẹ chồng cô thì ngày một dửng dưng với con dâu, lúc cô mang thai cũng chẳng đoái hoài gì. Sống chung một nhà nhưng Thúy và bố mẹ chồng coi nhau như những người xa lạ. Bản thân Thúy nhiều lúc cũng thấy ân hận về cách hành xử của mình với bố mẹ chồng, cô định tìm cách xin lỗi nhưng lúc này hai ông bà già đã chất chứa quá nhiều ác cảm, định kiến với con dâu. Đã quá muộn để Thúy thiết lập một cuộc sống hòa hợp với gia đình chồng…

Mẹ và vợ: Ai nặng hơn?

Mọi ông chồng đều mong muốn vợ và mẹ vui vẻ, hòa thuận (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Chuyện cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt giữa mẹ chồng và nàng dâu không phải xa lạ đối với riêng gia đình nào. Có vô vàn lý do khiến họ không hợp nhau, để rồi có những khoảng cách về mặt tình cảm – điều không ai mong đợi.
Bài toán khó cho các ông chồng
Cầu nối giữa mẹ và vợ là các ông chồng, nhưng không phải lúc nào các ông chồng cũng là cầu nối hữu hiệu. Để mẹ hiểu con dâu mà không mất lòng vợ thì đòi hỏi chồng phải hiểu sự việc, tâm lý, khéo léo. Đó là một bài toán mà không phải ông chồng nào cũng có thể giải được.
Cụ thể như trường hợp của gia đình Oanh. Khi cô mang đứa con đầu lòng, mẹ chồng bắt cô phải đi đứng cẩn thận, ý tứ và kiêng nhiều món mà cô thích vì theo bà thì các món ăn đó lại không tốt cho thai nhi và việc sinh nở. Là người thẳng tính, không tin những kinh nghiệm xưa của ông bà, Oanh cứ làm theo những gì trong sách dạy và cho rằng mẹ chồng lạc hậu. Thấy con dâu như vậy, bà cho rằng Oanh “hư”, không chịu nghe lời khuyên bảo. Bà tỏ ra khó chịu trước thái độ của con dâu nên thường cằn nhằn, chỉ trích Oanh trước mặt con trai. Tuấn (chồng Oanh) cũng đồng quan điểm như Oanh nhưng anh lại không thuyết phục được mẹ. Vì vậy anh đành khuyên vợ nên làm theo ý mẹ. Lúc đó Oanh cự lại và khẳng định không thể làm theo yêu cầu của mẹ chồng được. Mâu thuẫn giữa họ ngày một lớn. Thấy con trai không dạy được vợ, mẹ chồng Oanh càng tỏ thái độ hằn học với con dâu. Nhất cự, nhất động của Oanh đều bị mẹ chồng dò xét khiến cô rất khó chịu. Rồi mẫu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu ngày càng nghiêm trọng…
Trường hợp của vợ chồng Hà cũng vậy. Khi mới cưới nhau về, mẹ chồng cô ra “tối hậu thư” năm sau mới được có con. Nhưng do lỡ kế hoạch, nên Hà đã mang thai. Từ đó mẹ chồng cô luôn cho rằng Hà không nghe lời bà. Đặc biệt khi đứa trẻ chào đời, mỗi khi bé bệnh, bà lại bắt lỗi Hà và cho rằng cô không biết chăm sóc con, không biết kiêng cữ cho con. Thỉnh thoảng bà lại lôi câu chuyện cũ ra để trách cứ Hà. Sau hai năm, Hà cảm thấy không chịu được, đành xin ra ở riêng. Không đành để mẹ một mình, nhiều lần Hoàng (chồng Hà) đã góp ý cho mẹ nhưng cái tính người già khó thay đổi nên anh đành cùng vợ, con dọn ra ở riêng.
Ghét con rồi ghét luôn cả cháu
Ra ngoài ở riêng là sự lựa chọn của nhiều cặp vợ chồng khi xung đột mẹ chồng – nàng dâu lên đến đỉnh điểm. Khổ nỗi người gánh chịu mọi mâu thuẫn lại là những đứa bé.
Trang tâm sự, vì mâu thuẫn với mẹ chồng mà vợ chồng cô phải ra ngoài ở riêng. Cứ tưởng như vậy sẽ xong nào ngờ mâu thuẫn đó kéo dài đến đời con cô. “Tôi thấy thương bé Diệu Anh, bởi bà nội của cháu chỉ thương và quan tâm cháu ngoại. Thậm chí khi tôi sinh cháu, bà cũng không có mặt. Đã vậy, bé Diệu Anh sinh ra giống mẹ nhiều hơn bố nên bà nội lại càng lạnh nhạt với cháu. Mỗi lần từ nhà bà nội về, bé thường nói với tôi: “Bà nội nói con giống mẹ – ngang, bướng, không ngoan như em Thảo (con của dì út)”. Nghe vậy, tôi không muốn gửi con cho bà nội nữa nhưng làm vậy đâu có được”, Trang ngậm ngùi chia sẻ.
Khi Hùng cưới Thúy, mẹ anh không đồng ý và không chấp nhận cô con dâu này. Thế là hai vợ chồng ra ở riêng. Đến khi Thúy có bầu và sinh con, mẹ chồng cũng ít thăm hỏi. Đến nay bé Cường, con trai của vợ chồng cô được 4 tuổi, mẹ Hùng vẫn chưa hết ghét con dâu. Từ ghét con dâu bà chuyển qua ghét luôn cháu nội. Mặc dù mỗi năm bé Cường mới được ba mẹ đưa về thăm bà nội một lần nhưng bé vẫn không được bà yêu quí.
Bất mãn về thái độ của mẹ chồng đối với con, lại chưa quên được những tháng ngày bị mẹ chồng cằn nhằn nên chị Trang, chị Thúy đã “tiêm” vào đầu các con một hình ảnh rất xấu về bà nội. Liệu khi lớn lên những đứa trẻ như Diệu Anh, Cường sẽ có thái độ với gia đình bên nội ra sao?
Chuyện của người lớn thì người lớn hãy tự giải quyết, đừng vì bản thân mình mà làm tổn thương đến những đứa trẻ…
Thu Cúc

Ra ở riêng lại càng lắm chuyện

Cuộc sống ra ở riêng của chúng tôi ngày càng căng thẳng

– Từ ngày ra riêng, không có ngày nào là vợ chồng tôi không cãi cọ. Anh ấy thường xuyên đi chơi khuya. Tôi nhắc nhở thì anh ấy im lặng, nổi giận hoặc có khi, buông lời xúc phạm tôi.
window.onload = function () {resizeNewsImage(“news-image”, 500);}

Điều này trong suốt quá trình sống chung với bố mẹ chồng chưa hề xảy ra. Bởi vì dù đi đâu, làm gì, anh cũng giữ nguyên tắc về ăn cơm tối cùng bố mẹ. Đến khi ra ở riêng, chồng tôi trở nên tự do và vô trách nhiệm hơn.

Anh bỏ tôi ở nhà một mình dù biết tôi rất sợ ma. Tôi ngọt nhạt dỗ dành nhưng anh vẫn đi, có khi tới 1-2h sáng. Tôi không cấm đoán hoặc là người vợ thích kìm kẹp chồng quá mức nhưng cái gì cũng nên có giới hạn của nó. Cuối tuần trước, tôi ngồi chờ đến gần 12h đêm mà không thấy chồng, tôi nhắn tin bảo chồng “đi luôn đi” thì anh nhắn lại, mắng chửi tôi thậm tệ. Tôi shock vô cùng. Cả tôi và anh đều là người có học, vậy mà, anh chửi bới tôi như thế.

Tôi không hiểu sao chồng mình lại như thế. Lúc còn sống chung với bố mẹ, sao anh luôn tuân thủ giờ giấc? Sao từ ngày sống riêng, anh ấy lại “đổ đốn”? Có phải tôi nhu nhược hay dễ dãi quá không? Hay anh ấy coi thường, chán ghét tôi?


Vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã (ảnh minh họa)
Rất nhiều lần, tôi gọi điện thoại về tâm sự với bố mẹ chồng, nhờ các cụ khuyên bảo anh ấy giúp. Tôi thấy, anh ấy có vẻ rất nghe lời bố mẹ. Cụ thể là sau những lần đó, anh ấy có tiến bộ đôi chút. Tuy nhiên, 1-2 ngày sau thì chuyện cũ lại tái diễn. Tôi không thể ngày nào cũng gọi điện nhờ mẹ chồng được, bởi sau đó, anh lại kiếm cớ để gây chuyện với tôi.
Tôi có cảm giác bất lực. Chồng tôi không nghe lời hoặc mảy may quan tâm xem tôi buồn thế nào, tôi nghĩ ra sao… Càng ngày, tôi càng thấy hối hận vì đã kết hôn. Bây giờ, tôi không còn muốn nhắc nhở hay nói chuyện với chồng nữa. Tôi phải làm sao để anh ấy nghe lời tôi hơn (Linh Nhật, Hải Phòng).

Ý kiến tư vấn

Cuộc sống hôn nhân của bạn chỉ mới bước vào giai đoạn đầu. Đây là thời kỳ nhiều cặp vợ chồng khó tránh được cảm giác hụt hẫng, chán nản và thất vọng về nhau. Để vợ chồng hiểu nhau, cần có thêm thời gian và nỗ lực từ cả hai phía.

Bạn có thể chọn lúc thích hợp để chia sẻ với chồng, tìm hiểu nguyên nhân nào khiến anh ấy mải chơi đến như thế, cùng anh ấy thống nhất thời gian đi chơi của anh ấy… Thói quen sinh hoạt khi sống cùng bố mẹ và khi ra riêng có thể thay đổi. Theo lời bạn nói, chồng bạn có thể “hư” hơn khi ra riêng, vì đây là lúc, anh ấy có cảm giác tự do, muốn làm những gì mình yêu thích mà không chịu sự quản lý của bố mẹ như xưa nữa.

Thay vì chiến tranh lạnh, bạn thử tìm hiểu sở thích của chồng rồi từ đó có “đối sách” hợp lý. Nếu buông xuôi, vô tình bạn đã “tiếp tay” cho chồng. Để đến khi “bệnh” của anh ấy nặng mới chữa thì e rằng, chữa cũng khó. Đã là vợ chồng thì mọi thứ cần được thống nhất trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau ngay từ đầu.

Nếu anh ấy không hợp tác, còn bạn đã vội “đầu hàng” thì nguy cơ tan vỡ hạnh phúc là rất lớn. Biết cách khéo léo kéo anh ấy ở nhà nhiều hơn, dần dần, anh ấy sẽ bớt ham vui bên ngoài. Bên cạnh đó, bạn có thể tâm sự với mẹ chồng để tìm ra cách “cải tạo” chồng hiệu quả, không phải cứ đợi khi anh ấy đi chơi khuya là gọi điện cho bố mẹ chồng.

Theo eva

Khổ vì lấy vợ nhà giàu

Sau cưới mấy ngày, một lần đi nhậu với bạn, chỉ vì nghe bạn chúc mừng “‘lấy được quả vợ nhà mặt phố, bố làm to, khỏi lo mười năm phấn đấu” thế là Hùng (Hà Nội) đã thượng cẳng tay.
Hai người vốn học chung đại học. Cô là tiểu thư xinh đẹp, còn anh chỉ là sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. Ngày đầu tiên về nhà cô chơi, anh đã choáng trước dinh cơ của ba mẹ vợ tương lai nhưng vẫn cố tự nhủ: “Mình chân thành, có chí cầu tiến và học giỏi, nên cứ tự tin”. Dường như bố mẹ nàng cũng nhận ra những ưu điểm của cậu sinh viên nghèo, nên đồng ý cái rụp.

Về chung sống với nhau, cô bắt đầu thể hiện thói tiểu thư đỏng đảnh, lười làm việc nhà, ham chưng diện và hời hợt trong mọi chuyện. Nhưng anh không dám nói gì vợ vì mặc cảm “dưới cơ”. Anh một bước trở thành người nhà giàu khi được ăn ngon, mặc đẹp, đi xe hơi và gặp gỡ tầng lớp sang trọng, nhưng đời sống tình cảm thì cứ héo hon dần.

Một lần không chịu nổi sự bừa bãi của vợ, anh nổi đóa lên, và cô ấy kết thúc cuộc chiến bằng gáo nước lạnh: “Anh thấy không hợp thì đi đi, ra khỏi nhà tôi. Tôi hết chịu đựng nổi một ông chồng nhà quê, suốt ngày sống theo mấy cái nền nếp cổ lỗ sĩ lắm rồi!”.

“Trước đó, tôi cũng đã phải đau đầu vì vợ suốt ngày ca thán về chuyện phải giúp đỡ bên nội quá nhiều. Hai chữ “nhà tôi” mà cô ấy thốt ra đã khiến tôi vùng chạy ra khỏi nhà. Và hai chữ “nhà quê” khiến tôi một lần nữa khẳng định rằng: quá khó để một người nghèo làm rể nhà giàu”, anh Hùng nói.

Sau gần một tuần lang thang, anh quay về xin lỗi bố mẹ vợ, và hứa những điều khiến vợ bùi tai, vì chuyện vợ chồng đâu thể đơn giản kết thúc được.

Rồi Hùng được giao làm trưởng chi nhánh của công ty nhà vợ. Công việc trở nên khó khăn khi nhân viên không phục sếp bởi: “Con rể sếp tổng nên được như vậy, chứ mới ra trường, biết gì mà làm quản lý”.

Dù đã cố chịu đựng để vượt qua điều tiếng, nhưng đến một ngày, anh nhận ra mọi cố gắng của mình đang bị đổ sông đổ bể, vì nhà vợ giàu sẵn, công ty nhà vợ lớn mạnh sẵn nên những đóng góp của anh dù có ấn tượng đến mấy cũng sẽ bị ba chữ “nhờ nhà vợ” bao trùm.

Cũng gặp phải cảnh ngộ như anh Hùng, Trung chia sẻ: “Đôi khi vợ nổi giận vô cớ, thậm chí hỗn hào, mình cũng chả dám ho he, vì “phe địch” quá mạnh. Ở cơ quan, tôi tự tin, nhanh nhẹn, tháo vát bao nhiêu thì về nhà lại rụt rè, cẩn trọng và “hiền” bấy nhiêu. Hình như tôi đã đánh mất chính mình”.

Tâm lý thông thường, chàng rể nghèo rất dễ mặc cảm, ngay cả khi chỉ bị “chạm nhẹ” vào vấn đề tiền bạc mà anh ta luôn lo sợ ai đó đụng tới, từ đó thiếu tự tin trong công việc, thiếu cả tự tin trước vợ con.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, với người đàn ông, chữ “sĩ” thật cần thiết nhưng nếu để nó bao trùm, đè nặng lên tâm trí thì không nên. Điều quan trọng là cần vượt qua rào cản, tồn tại trong chính bản thân mỗi người.

Trước hết, các chàng rể cần tận dụng mối thiện cảm của mẹ vợ. Khác với mối quan hệ giữa con dâu với mẹ chồng, con rể đối với mẹ vợ dễ dung hòa hơn nhiều. Đặc biệt, tâm lý “thương con rể không thiệt đi đâu mà sợ, vì nó sẽ thương lại con gái mình” khá phổ biến đối với các bậc cha mẹ thời hiện đại.

Ngoài ra, tuy ở chung nhưng các cặp vợ chồng nên kiên định với quan điểm tiền bạc rạch ròi. Khoản tiền nào mượn của nhà vợ thì trả sòng phẳng. Có như vậy, chàng rể nghèo mới đường hoàng đối diện với bố mẹ vợ, mới không bị mất tự tin, không bị yếu thế trong cuộc sống vợ chồng.

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Nàng dâu và cái Tết nhà chồng

Con dâu lo Tết cho nhà chồng, chuyện tưởng như không có gì đáng nói nhưng cũng ẩn chứa không ít điều về cách sống, cách ứng xử trong gia đình.

Không chỉ những cô gái mới chân ướt chân ráo bước về nhà chồng, “vập” vào cái tết đầu tiên đầy bỡ ngỡ, mà cả những người đi làm dâu nhiều năm vẫn không tránh khỏi những lúc phải suy nghĩ. Một cô gái đã kể, năm ngoái, mới cưới được hơn một tháng là đến tết. Vì là dâu mới nên cô được… ưu tiên thể hiện hết mình khả năng quán xuyên nhà cửa, trong khi mẹ chồng phụ giúp và em chồng thì có nhiệm vụ… quan sát, nhận xét, đánh giá công việc và cả óc thẩm mỹ của cô thông qua việc mua sắm, chọn lựa những vật dụng và đồ trang trí trong nhà. Càng bỡ ngỡ hơn khi cô được giao “trọng trách” đi sắm Tết. Cô cẩn thận hỏi mẹ chồng và các thành viên trong gia đình xem cần phải sắm những gì cho phù hợp với tục lệ, nhưng cô đều nhận được câu trả lời chung chung dạng: “Tết ở đâu cũng như nhau”, “Tuỳ ý chị”, “Thấy gì phù hợp thì mua”… Quay ra hỏi nhỏ chồng nhưng chồng cũng … lắc đầu không biết vì chưa phải đi sắm Tết bao giờ! Thế là cô phải đi chợ với một tâm trạng đầy thấp thỏm lo âu. Cô cũng đã từng đưa mẹ đẻ đi sắm Tết bao nhiêu lần, nhưng phần lớn là đứng để mẹ mua, cô cũng không để ý xem mẹ mua những gì, mua như thế nào. Rồi việc đối mặt với việc làm mâm cỗ cúng gia tiên mà cô thì thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng chỉ còn cách thú thật với mẹ chồng. Mẹ chồng bảo sẽ từ từ hướng dẫn cho cô biết làm tất cả mọi thứ và cô tự tin rằng đảm bảo Tết năm nay cô có thể tự tay làm thành thục những việc chuẩn bị cho ngày Tết.
Một cô gái khác vừa về nhà chồng thì lo ngại, nhà chồng đông anh em. Riêng việc mua quà tết biếu từng anh chị, sắm sửa quần áo cho mấy đứa cháu nhỏ cũng khiến cô mệt bở hơi tai. Chưa kể đến việc phải dọn nhà, phải đi chợ, rồi làm cơm, chào hỏi họ hàng. Khi cảm giác “lạ nhà” vẫn còn ngự trị trong con người cô thì cái nghĩa vụ làm dâu trước thềm năm mới đã bắt đầu. Cô cũng được bố mẹ chồng phân công “đạo diễn” chuyện bếp núc ngày Tết, lo quà cáp để bố mẹ chồng đi “ngoại giao”. Dâu mới nên cô cũng muốn thể hiện, ít ra là sự chăm chỉ, khéo léo, đảm đang nhưng còn chưa thuộc, chuyện sắm tết chưa biết bắt đầu từ đâu, chồng thì cũng không biết làm thế nào nên cô luôn trong tâm trạng mệt mỏi.
Không chỉ những người mới đi làm dâu, có những người đã có mấy năm làm quen với nếp sống nhà chồng nhiều lúc cũng vẫn rơi vào bế tắc với cái chuyện tết ở nhà chồng. Một chị kể, chị đã sống với bố mẹ chồng mấy năm, nhưng cái cảm giác “chưa quen” dường như vẫn còn nguyên vẹn trong chị mỗi dịp tết về. Đi chợ thì không khó, nhưng vẫn không biết mua gì cho các món ăn ngày tết phù hợp với khẩu vị, thói quen thưởng thức của mọi người. Rồi việc chuẩn bị quà để bố mẹ đi thăm họ hàng, người thân làm sao để vừa đủ, không quá hoang phí mà không bị chê là quá tính toán. Tuy bố mẹ chồng chị không năm nào có ý kiến gì khiến chị phật ý, nhưng cái cảm giác lo ngại vẫn cứ ngự trị trong chị bởi phận làm dâu phải chu toàn mọi việc, đặc biệt chuyện bếp núc cho những ngày vui xuân đón Tết là lẽ đương nhiên.
Nhiều nhà tâm lý đã đưa ra lời khuyên dành cho các cô dâu là khi về nhà chồng phải tìm hiểu kĩ về phong tục nhà chồng, đặc biệt là phong tục trong dịp Tết. Nhưng quan trọng hơn là phải tạo được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình nhà chồng. Có như vậy mới không cảm thấy bỡ ngỡ, ngại ngùng và e dè. Đồng thời, những người con dâu cũng nên học hỏi, tìm hiểu để hiểu về Tết và chuyện bếp núc, ứng xử với họ hàng, làng xóm… Có những người mẹ chồng ngay khi con dâu về đã nói: “Con là dâu, sẽ vất vả để có thể gánh vác khi nhà có giỗ, tết, nên phải cố gắng rất nhiều. Việc nhà, việc họ thì cũng chẳng đến nỗi to tát quá, nhưng vẫn cần đến cái tâm để thu vén. Đi phải thưa, về phải chào. Không biết gì phải hỏi…”. Và cô dâu cũng vui với việc ấy, biết nên định liệu thế nào cho phải.

Theo KTĐT

Lấy lòng bố mẹ vợ tương lai

Lấy lòng các cô nàng đã khó, nhưng chiếm được cảm tình của những người thân sinh ra cô ấy trong lần đầu ra mắt cũng không phải là điều dễ nếu bạn không biết cách.
Lấy lòng bố mẹ vợ tương lai
Anh minh họa 
Trong buổi ra mắt, nếu bạn “thể hiện” không đúng, bạn sẽ bị mất điểm ngay vì ấn tượng ban đầu bao giờ cũng quan trọng. Những ấn tượng tốt sẽ khiến “các cụ” sẵn sàng trao con gái rượu của mình cho bạn.
Dưới đây là một số điều bạn cần phải biết khi gặp nhạc phụ và nhạc mẫu tương lai:
1. Tìm hiểu thông tin trước
Mỗi cô gái đều là duy nhất và bố mẹ cô ấy cũng vậy. Bạn hãy tìm hiểu những thông tin liên quan đến bố mẹ cô ấy, ví dụ như nghề nghiệp, sở thích, thói quen… Những điều này bạn cần tham vấn của bạn gái vì cô ấy là người hiểu bố mẹ mình hơn cả.
Tiếp theo, khi cuộc hẹn gặp đã được định trước, bạn cần phải biết chính xác địa chỉ nhà nàng nằm ở đâu. Bạn có thể đi “thám thính” trước đó mấy hôm để tránh bị lạc đường. Và điều quan trọng nữa, bạn chớ nên đến trễ hẹn.
Trước khi đến nhà nàng, bạn có thể tự đặt trước, hoặc hỏi bạn bè, những người tiên phong, một số câu hỏi mà các bố mẹ vợ tương lai thường hỏi. Sau đó, bạn tập trả lời cho quen. Nhưng bạn vẫn phải giữ nguyên tính trung thực nhé! 
2. Ăn mặc chỉnh tề
Lúc ra mắt, bạn phải đảm bảo rằng bạn đang mặc bộ quần áo thích hợp với mình. Nếu có thể, hãy để cô gái của bạn “duyệt” trước. Bạn không nên quá ấn tượng bằng những trang phục “quá lố” hoặc những bộ quần áo bó sát cơ thể.
Tốt nhất bạn nên mặc áo sơ mi có cổ và quần âu. Trang phục này sẽ khiến bạn trở nên chững chạc, là người trưởng thành hơn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể chọn một bộ quần áo bạn cho là phù hợp và cảm thấy thoải mái khi giao tiếp.
3. Chào hỏi tốt
Bạn đừng như một đứa trẻ chờ người lớn nhắc mới chào hỏi mà hãy chủ động chào hỏi ngay khi gặp người nhà cô ấy. Nhưng để tránh chào nhầm người, bạn có thể nhờ bạn gái “phím” trước.
Những người lớn tuổi bao giờ cũng đánh giá cao sự lễ phép. Chính vì vậy, ngay từ lời chào bạn hãy tỏ sự lễ phép, tôn kính nhưng lại thân mật.
4. Đối đáp thông minh
Để có một cuộc trò chuyện thân mật với bố mẹ nàng, bạn cần chuẩn bị trước một vài câu hỏi, một số tình huống có thể xảy ra, nhưng quan trọng hơn là tâm lý phải thoải mái, chân thành khi đối đáp với họ.
Trong cuộc đối thoại, bạn có thể thể hiện sự thông minh, linh hoạt của mình qua các câu trả lời. Nhưng bạn đừng tìm cách lừa dối, qua mắt họ. Những người đi trước thường rất tinh, họ có thể nhận ra sự gian dối ngay trong ánh mắt, cử chỉ và thái độ của bạn.
5. Đối xử với bạn gái tốt
Cách bạn đối xử với bạn gái cũng là cách bạn thể hiện trước bố mẹ cô ấy. Bậc phụ huynh sẽ vui mừng và an tâm hơn nếu thấy con gái mình được chăm sóc cẩn thận, được yêu thương và quan tâm.
6. Chào tạm biệt cũng phải biết cách
Cuối cùng, sau khi đã trò chuyện, sau bữa ăn cơm nhà bạn gái (nếu có), dù không như bạn muốn nhưng bạn ra về đừng quên cảm ơn họ đã dành thời gian tiếp mình và đừng quên mời lại họ nếu có dịp đến thăm nhà bạn.
Một điều lưu ý nữa, không phải ra khỏi nhà nàng là bạn “thoát”. Bạn hãy nhớ lái xe cẩn thận, từ từ, đừng phóng nhanh, chạy thục mạng vì khi tiễn bạn về, “các cụ” vẫn để mắt quan sát bạn đến khi khuất hẳn.
Một số mẹo nhỏ cho bạn khi vào nhà nàng:
– Đến nhà nàng hãy mang theo món quà nhỏ, ví dụ như hoa quả.
– Đến đúng giờ.
– Không được nhai kẹo cao su tóp tép.
– Không hút thuốc, ngay cả khi họ mời bạn cũng phải từ chối.
– Trong cuộc trò chuyện, tôn trọng, thân mật nhưng vẫn luôn phải lịch sự.
– Cảm ơn gia đình đã dành thời gian cho bạn và nở nụ cười trước khi bạn quay gót.
Theo TC

Mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn về tiền bạc

Giai phap khi me chong nang dau xung dot tai chinh
(Ảnh: ceoservicesgrou)
Im lặng và chờ “đối phương” tự hiểu, đó là đối sách của nhiều cặp mẹ chồng nàng dâu khi có xung khắc liên quan đến chi tiêu trong gia đình. Theo chuyên gia tâm lý, phương pháp “tế nhị” này sẽ khiến hai người xa nhau thêm và sự hiểu lầm sẽ ngày một lớn.
  1.   Mẹ chồng nàng dâu khó chịu với nhau do sự khác biệt về quan điểm và thói quen chi tiêu (chẳng hạn con phóng tay, mẹ tiết kiệm hoặc ngược lại) là chuyện của rất nhiều gia đình. Mâu thuẫn này thường ngấm ngầm vì tâm lý ngại nói về tiền nong. Theo thạc sĩ tâm lý Trần Lệ Thu, giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội, đây là một sai lầm: “Dân gian có câu tiền bạc phân minh ái tình dứt khoát, những khúc mắc về tài chính nếu không nói ra sẽ chẳng thể giải quyết được”.
  Bà Lệ Thu cho rằng, không nên né tránh hoặc chờ người khác trong gia đình tự hiểu những bất bình của mình về chuyện tiền nong, vì điều đó rất mất thời gian và trong khi chờ đợi, mâu thuẫn sẽ ngày một “leo thang”. Giữa mẹ chồng nàng dâu lại luôn có sẵn thành kiến “khác máu tanh lòng”, vì vậy nếu không nói rõ, mỗi lời nói, hành động sẽ dễ bị suy diễn và quy kết sai lầm. Bởi vậy, im lặng là một đối sách nguy hiểm.
Nhưng ai sẽ nói? Bà Thu cho rằng trách nhiệm trước hết thuộc về con dâu – một “người lạ” bước chân vào một cộng đồng đã thống nhất và định hình lối sống từ mấy chục năm nay. Chính cô dâu là người đầu tiên phải điều chỉnh để hòa nhập được vào cộng đồng này. Mặt khác, người già thường có khuynh hướng bảo thủ, khó thay đổi hơn. Nếu thấy có sự khác biệt, thay vì bất bình, hãy cố gắng thích nghi vì rõ ràng với cách chi tiêu của mẹ, cả gia đình trong đó có người chồng vẫn thấy vui vẻ bao lâu nay. Mẹ chồng sẽ không thể hài lòng khi một người mới đến lập tức muốn thay đổi nó.
  Và trong khi cố làm quen, bạn cũng nên bày tỏ quan điểm của mình với mẹ chồng. Nói như thế nào thì phải tùy cơ ứng biến cho phù hợp với tính cách của mẹ và hoàn cảnh lúc đó. Đây là lời khuyên của chị Lan Anh (Hà Nội) rút ra từ kinh nghiệm bản thân: “Đừng để cho câu chuyện đầu tiên bạn nói với mẹ chồng lại chính là thắc mắc về tài chính. Tôi cũng từng thấy khổ sở vì mẹ chồng tiết kiệm quá. Nhưng tôi không kêu ngay”.
Cứ có thời gian rỗi, Lan Anh lại tỉ tê tâm sự với mẹ chồng, lúc thì kể chuyện công việc, bạn bè, khi lại bàn tán chuyện phim ảnh, mua sắm. Cũng theo hình thức “buôn dưa lê”, cô cho mẹ biết thói quen chi tiêu của mình thời con gái, rằng vợ chồng mình ngoài lương cũng có vài khoản thu nhập. Rồi nhân một lần mẹ chồng mệt mỏi, cô mua thức ăn tươi về và thủ thỉ: “Bố mẹ có tuổi rồi, cần ăn uống tốt hơn để giữ sức khỏe. Con sẽ đưa thêm tiền cho mẹ đi chợ, mẹ yên tâm bọn con lo được mà”. Bà mẹ chồng hiểu ý con dâu nhưng không trách giận, và từ đó bà cũng đỡ “chặt chẽ” hơn.
  Cũng có nhiều bà mẹ không hiểu nhanh như vậy. Trong trường hợp này, nàng dâu nên tìm sự hỗ trợ của người thứ ba. “Người chồng là cầu nối mềm mỏng và hữu hiệu nhất vì anh ta là đối tượng yêu thương của hai người đàn bà. Tuy nhiên, anh ta phải rất công bằng và không được bệnh vực bên nào cả” – chuyên gia tâm lý Trần Lệ Thu nói. Trong số những phụ nữ sử dụng thành công chiếc cầu đó có chị Tâm, một giáo viên cấp 3 ở Thanh Xuân, Hà Nội.
  Thấy mẹ chi quá ít cho bữa cơm gia đình, chị Tâm than thở với chồng và được anh hứa sẽ nói giúp. Lựa lúc mẹ vui vẻ, hai người đưa tiền chi tiêu cho mẹ, tăng một chút so với trước. Ông xã của chị Tâm bảo mẹ bây giờ nhà mình khá hơn rồi, mẹ không cần vất vả căn cơ như trước. Anh cũng cho biết vợ mình khi chưa lấy chồng quen ăn ngon, và bản thân mình cũng muốn vậy. Bà mẹ cau mặt tự ái, nhưng sau đấy cũng thay đổi. Và chị Tâm tìm cách lấy lòng mẹ bằng cách khác.
  Theo bà Lệ Thu, ngoài chồng, người con dâu có thể tìm những chiếc cầu nối khác như bố chồng, chị chồng… nếu thấy thích hợp. Tiếng nói của họ “có trọng lượng” vì họ không bị mẹ chồng coi là bị nàng dâu “dắt mũi”. Nhưng để nói được với người nhà chồng những chuyện tế nhị như vậy mà không gặp nguy hiểm, cô dâu phải tạo được quan hệ tốt, khi kể chuyện cũng phải nói trên tinh thần xây dựng.
  Nếu thương thuyết không hiệu quả, người con dâu cần có những biện pháp thực tế hơn. Chẳng hạn, nếu mẹ tiết kiệm, cô dâu nên tự mua sắm thêm đồ đạc hoặc thức ăn nhưng theo cách tế nhị, nghĩ ra những lý do dễ nghe như “mới được thưởng, có đợt khuyến mãi…”. Trong trường hợp mẹ hoang phí cũng vậy, ngoài việc giải thích về khả năng tài chính hạn chế của mình, nên cố gắng kiểm soát chi tiêu, thay vì để mẹ làm còn mình thì xót ruột.
  Về phía mẹ chồng, bà Lệ Thu cho rằng cũng cần có sự điều chỉnh: “Có lúc các bà mẹ nên tạm bỏ đôi dép của mình để xỏ thử dép của con dâu xem nó ra sao”. Các bà mẹ nên mở lòng với con dâu, hiểu con trong công việc và xã hội mà nó đang sống. Nhưng làm cho mẹ hiểu cũng là trách nhiệm của đôi vợ chồng trẻ.
Mấu chốt thành công trong việc thương thuyết chính là sự chân thành, với mong muốn hòa hợp với nhau, chứ không phải để phân định ai đúng ai sai. Vì vậy, dù có bực đến đâu, cô dâu cũng không nên kể lể quá đáng với chồng như thế mình là nạn nhân của mẹ, vì tình yêu đối với mẹ của anh ta sẽ không bao giờ thay đổi. Sự xung khắc giữa mẹ chồng nàng dâu chắc chắn sẽ khiến tình cảm vợ chồng không được trọn vẹn.
   Cuối cùng, khi tất cả mọi cố gắng thương thuyết đều thất bại, mối xung khắc giữa mẹ chồng nàng dâu trở nên không thể dung hòa, bà Trần Lệ Thu cho rằng nên chọn giải pháp “phá vỡ” để xây dựng lại. Hai vợ chồng nên nghĩ đến chuyện ra ở riêng để chấm dứt mâu thuẫn. Đây là chuyện cực chẳng đã, nhưng lại có hiệu quả tốt nhất trong trường hợp này.

Quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhìn từ góc độ văn hoá

Hai thế hệ khác nhau nên tôn trọng nhau về tư duy và lối sống. Không nên cứ nhất nhất sống theo lối sống cũ của chúng tôi (những người già). Nhưng cũng không phải lối sống mới đã là hay toàn bộ đâu. Các bạn cũng sẽ già và sau này sẽ hiểu hơn khi tự mình đã trải nghiệm qua thực tế cuộc đời. (Bùi Văn Bông)
Người gửi: Bùi Văn Bông, 125.235.124.129
Gửi tới: Ban Biên tập
Tiêu đề: Mẹ chồng nàng dâu
Theo tôi có mấy vấn đề cần suy nghĩ xa hơn về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu:

1. Người Việt có lối tư duy gốc nông nghiệp nên:
Họ coi trọng phồn thịnh; trọng tình, trọng nghĩa; luôn giúp đỡ lẫn nhau; đoàn kết gắn bó để chiến thắng thiên nhiên, giặc dã; khắc phục khó khăn nảy sinh trong cuộc sống, tôn trọng người có kinh nghiệm vv… do đó từ xa xưa người Việt sống tập trung trong gia đình, họ hàng, làng nước vv… Đó là những mặt tốt.

Nhưng mặt trái của tư duy đó là: Đố kỵ, ghen ăn tức ở, cục bộ địa phương, ỷ lại, ích kỷ, tuỳ tiện, gia trưởng, độc đoán, bè phái, sống lâu lên lão làng v.v…

Do đó chuyện mẹ chồng nàng dâu không có gì là lạ, nếu chúng ta hiểu rõ và sâu sắc về văn hoá Việt Nam. Từ đó chúng ta sẽ lý giải một cách khách quan vấn đề này.

2. Văn hoá Việt Nam không thể không bị ảnh hưởng và pha trộn bởi các nền văn hoá khác trên thế giới, do đó chúng ta mới có lối sống như trước đây (thế hệ đã lớn tuổi) và lối sống pha trộn như hiện nay (thế hệ trẻ tuổi).

Nhưng nói gì thì nói, có lẽ không một người Việt Nam nào lại có thể bỏ hẳn được tư duy, lối sống, phong cách, tính nết vv… của Việt Nam mà theo hẳn một lối sống khác vì chúng ta mang dòng máu người Việt cổ. Do nền văn hoá như vậy, nên thông thường người Việt Nam hay sống chung trong gia đình. Ông bà chăm sóc con cháu, con cháu chăm lo ông bà, bố mẹ khi tuổi cao, gia đình hay quây quần ăn uống khi có dịp thuận lợi vv…Thế rồi ông bà, cha mẹ thường chia hết của cải do mình làm ra cho các con, các cháu và cảm thấy đó là hạnh phúc. Sau này các bạn về già cũng làm như thế.

Các bạn thấy tư duy và cách sống thế có hay không? hay là cuộc sống như phương Tây thì hay hơn? Tôi xin đánh cuộc rằng chính các bạn cũng đã, không và sẽ không bao giờ trở thành một người có lối sống 100% như phương Tây được đâu.

3. Vấn đề là: Nếu mọi người sống chân thành; giúp đỡ lẫn nhau thật sự; thông cảm; yêu thương nhau; hiểu biết suy nghĩ, tự do và lối sống của mỗi người trong cái tập thể gia đình nhỏ bé đó thì sẽ rất ít khi có chuyện. Còn nếu không thì sẽ là ngược lại: Rất nhiều chuyện và rất nhức đầu, mà chẳng đâu vào đâu cả.

Tóm lại:

– Nếu bạn có điều kiện kinh tế tự mình làm ra và tự mình lo liệu được cho gia đình mình thì ở riêng là tốt nhất. Tuy nhiên bạn vẫn phải có trách nhiệm tôn trọng và giúp đỡ ông bà, cha mẹ đấy.

– Nếu bạn không tự làm ra kinh tế (ví dụ nhà ở) và còn khó khăn trong việc tự lo liệu thì có thể vẫn ở chung cùng bố mẹ chồng. Nếu bạn sống chân thành thì ai lại gây phiền nhiễu cho bạn làm gì ?

Nhưng chớ có lấy của cải của bố mẹ làm ra, rồi sau đó tìm cách ở riêng cho thoải mái bản thân mình khi không được phép vì tài sản có phải của bạn đâu. Bạn chỉ thích tài sản của bố mẹ chồng, còn không thích bố mẹ chồng. Điều đó liệu có được không ?

Như vậy, xã hội hiện nay có hai cách suy nghĩ và lối sống tương đối khác nhau. Hai thế hệ khác nhau nên tôn trọng nhau về tư duy và lối sống. Không nên cứ nhất nhất sống theo lối sống cũ của chúng tôi (những người già) trước đây. Nhưng cũng không phải lối sống mới hiện tại trong xã hội đã là hay toàn bộ đâu. Các bạn cũng sẽ già và sau này sẽ hiểu hơn khi tự mình đã trải nghiệm qua thực tế cuộc đời.

Mẹ chồng hãy chân thành và tốt với con dâu và ngược lại. Tất cả sẽ vui vẻ và tốt đẹp thôi mà.

Cuộc sống có tình, vui vẻ và có ý nghĩa mới là quan trọng.

Chúc hai thế hệ luôn vui vẻ và đoàn kết !