Category Archives: Đường Vành Đai 4

Dự kiến khởi công đường vành đai 4

Khởi công xây dựng đường vành đai 4 trong tháng 10/2010

Tổng mức đầu tư dự án 50.700 tỷ đồng, điểm đầu từ đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai qua khu đô thị Mê Linh, tới Đan Phượng, Chúc Sơn, Thường Tín (Hà Nội) và Như Quỳnh (Hưng Yên).

 
Ngày 16/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã chủ trì buổi làm việc với các Sở, ngành liên quan về kế hoạch, tiến độ triển khai dự án đường vành đai 4.

Tuyến đường Vành đai 4 bắt đầu từ đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai qua khu đô thị Mê Linh, tới Đan Phượng, Chúc Sơn, Thường Tín (Hà Nội) và Như Quỳnh (Hưng Yên) nối với QL 18 tại Đông Sơn (Bắc Ninh).
Đoạn qua địa phận Hà Nội dài 76 km , rộng 120m, trong đó, phần đường cao tốc gồm 6 làn xe đi giữa (dải phân cách giữa làn đường cao tốc rộng 4m) hai bên đường cao tốc là dải phân cách an toàn mỗi bên rộng 20m. Tiếp đến, phần đường đô thị chạy song song 2 bên với lòng đường rộng 12m và ngoài cùng là vỉa hè rộng mỗi bên 10m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 50.700 tỷ đồng, chiếm 1.280ha đất.
Tại buổi họp, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, 20km đầu tiên của đường vành đai 4 (tuyến đường nối QL6 với QL 32) sẽ được giao cho nhà thầu Him Lam khởi công vào tháng 10.
Sở KH & ĐT phối hợp với Tổng công ty Tư vấn thiết kết giao thông vận tải (TEDI) đến cuối tháng 4 hoàn thành chỉ giới, tháng 6 phải có dự án hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.
Do quỹ đất 2 bên đường vành đai 4 có hạn, Phó chủ tịch yêu cầu Sở KH & ĐT cần cân nhắc kỹ các hình thức đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) hoặc BT (xây dựng – chuyển giao) sao cho phù hợp với từng đoạn đường.
Ngoài ra, việc GPMB phải được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, quá trình triển khai cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thực hiện dự án đúng tiến độ.

K.T
Theo UBND TP HN

Đầu tư dự án đường vành đai 4 và vành đai 5 của Hà Nội

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chủ trì cuộc họp xem xét chủ trương triển khai đầu tư dự án Đường vành đai 4 và vành đai 5 của Hà Nội.

Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông – Vận tải đẩy nhanh việc lập dự án, thiết kế để phân kỳ đầu tư, tách các dự án thành phần để xem xét, tận dụng các nguồn vốn.


Sơ đồ định hướng phát triển không gian Hà NộiSơ đồ định hướng phát triển không gian Hà Nội

Cơ quan tư vấn cần tính toán lại tổng vốn đầu tư dự án Đường vành đai 4, lưu ý phương án giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai sao cho phù hợp với sự phát triển và nhu cầu của Thủ đô mở rộng.
Đường Vành đai 4 được xác định như một vành đai giao thông liên vùng, kết nối các tuyến quốc lộ và cao tốc hướng tâm, nối các khu công nghiệp, khu đô thị liền kề thủ đô Hà Nội có chiều dài khoảng 148km với tổng kinh phí xây dựng 50.000 tỷ đồng. Đây là vành đai giao thông đối ngoại, được quy hoạch 6 – 8 làn xe với chiều rộng chỉ giới đường 100m ÷ 120m.
Theo tính toán, đường vành đai 4 sẽ đi qua các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông (Hà Nội).


Đường vành đai 4 cũng liên kết các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội theo quy hoạchxây dựng như: TP Vĩnh Yên – Sơn Tây – đô thị Hòa Lạc – thị trấn Xuân Mai – Miếu Môn – Đồng Văn – thị xã Hưng Yên – TP Hải Dương – thị trấn Chí Linh – TP Bắc Giang – thị xã Sông Công ( Thái Nguyên)…

Vành đai 4 sẽ nối các khu đô thị liền kề HN

Câu hỏi “Vành đai 4 Hà Nội sẽ ở đâu?” vừa đã có câu trả lời khi Qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội đến năm 2020 được Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan thống nhất thẩm định…
Vành đai III sẽ cơ bản hoàn thành trước năm 2010, với chiều dài khoảng 65km, trung bình đảm bảo 6 – 8 làn xe , chiều rộng từ 33,1m đến 72m (Ảnh tư liệu của TEDI).

Vành đai 4 sẽ nối các khu đô thị liền kề HN

Là vành đai giao thông đối ngoại, vành đai 4 được qui hoạch 6 – 8 làn xe với chiều rộng chỉ giới đường 100m ÷ 120m. Trên đường vành đai này, các cầu lớn vượt sông Hồng (cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở) và vượt sông Đuống, sông Cầu… sẽ được xây dựng. Dự kiến, thời gian  xây dựng  đường vành đai 4 sẽ bắt đầu từ khoảng năm 2010, hoàn thành trước 2020.
Ngoài ra, phần của đường vành đai liên kết các đô thị vệ tinh  xung quanh Hà Nội cũng được hoạch định, xây dựng: thành phố  Vĩnh Yên – thành phố  Sơn Tây – đô thị Hoà Lạc – thị trấn Xuân Mai – Miếu Môn – Đồng Văn – thị xã Hưng Yên thành phố  Hải Dương – thị trấn Chí Linh – thành phố  Bắc Giang – thị xã Sông Công (Thái Nguyên)… với chiều dài khoảng 320km cùng các cầu lớn qua sông Hồng như cầu Vĩnh Thịnh, Yên Lệnh và các cầu qua sông Đuống.
Như vậy, đến 2020, nội và ngoại Thủ đô  không chỉ có vành đai 2 với tổng chiều dài xấp xỉ 43,65 km, vành đai 3 khoảng 65km mà còn thêm vành đai 4 với chiều dài khoảng 148km nữa.
Song song  với đó, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng  và các cơ quan  chuyên môn thống nhất  báo cáo Chính phủ  qui hoạch phát triển mạng lưới đường bộ với các quốc lộ hướng tâm và cao tốc song  hành, cụ thể: cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện tại (QL 1A đoạn HN – Thường Tín và Cầu Đuống – Bắc Ninh; QL 6 đoạn HN – Hòa Bình; QL 32 đoạn HN – Sơn Tây; QL 2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên; QL 3 đoạn từ thị trấn Đông Anh) lên thành đường 4 – 6 làn xe; xây dựng  các đường cao tốc song  hành với các quốc lộ lưu lượng lớn (cao tốc HN – Lạng Sơn; cao tốc Pháp Vân – Giẽ – Thanh Hóa; cao tốc HN – Hải Phòng; cao tốc HN – Việt Trì; cao tốc HN – Thái Nguyên; cao tốc Nội Bài – Hạ Long; cao tốc Láng – Hoà Lạc)…

Vành Đai 4 Hà Nội sẽ ở đâu?

Dự án HAIDEP xác định vành đai 4 phần phía nam sông Hồng cơ bản dựa theo hướng tuyến của quy hoạch chung năm 1998, nhưng Bộ GTVT lại đề xuất đẩy ra xa hơn khoảng 3-4km…
 

Vanh dai 4 Ha Noi se o dau
Nếu quy hoạch từ 6-8 làn xe, vành đai 4 Hà Nội trong hình dung sẽ như thế này…!? (Ảnh tư liệu)
Báo cáo trước cuộc họp ngày 9/3/2007 tại UBND TP Hà Nội về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, có một số nội dung còn chưa thống nhất giữa Quy hoạch đang được Bộ GTVT nghiên cứu này với Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập, trong đó khác nhau nhiều nhất là quy hoạch hạ tầng giao thông Hà Nội đến năm 2020.
Vành đai 4 của Hà Nội phần phía nam sông Hồng (từ Thượng Cát đến phía nam Quốc lộ 1 cũ) được nghiên cứu của HAIDEP xác định cơ bản dựa theo hướng tuyến của Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998, trong khi nghiên cứu của TEDI (Bộ GTVT) lại đề xuất đẩy ra xa hơn khoảng 3-4km.
Tuy nhiên, đoạn từ sông Hồng đến Quốc lộ 1A mới (Từ Sơn), hướng tuyến của 2 phương án vẫn theo nguyên tắc trên và gặp nhau ở phía tây khu công nghiệp Từ Sơn.
Đoạn nối tiếp từ Từ Sơn đến sân bay Nội Bài, theo HAIDEP – tuyến sẽ nhập với vành đai 3. TEDI lại đề xuất tuyến này tiếp tục đi qua huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và khép kín nối với đường 35 tại khu vực thị trấn Nỉ (Sóc Sơn). Còn theo nghiên cứu của Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội thì từ Quốc lộ 5, tuyến sẽ đi vòng qua khu vực thị trấn Thuận Thành, qua Thành phố Bắc Ninh (xa hơn phương án do TEDI đề xuất khoảng 6-8km) và khép kín nối với đường 35.
Như vậy, theo đề xuất của HAIDEP, đường vành đai 4 sẽ đi gần với đường vành đai 3. Đoạn phía bắc đường này sẽ đi ở phía nam của sân bay Nội Bài, phân tách Hà Nội với khu vực Sóc Sơn.
HAIDEP đưa ra quy mô của vành đai 4 này là 4 làn xe, nhưng quy hoạch của Bộ GTVT thấy rằng cần thiết phải có từ 6-8 làn xe. Bộ GTVT đề xuất 12 nút giao thông lập thể tại vành đai 4 này (trong tổng số 3 nút nằm chủ yếu trên các đường vành đai và các trục chính trong đô thị), song HAIDEP nhận định cần bố trí 18 nút tại đây.
Vanh dai 4 Ha Noi se o dau
Vành đai 3 Hà Nội hiện vẫn đang ngổn ngang… còn vành đai 4 thì chưa định rõ hình hài!? (Ảnh: H.H)
Sau khi rà soát lại các nghiên cứu, chính Bộ GTVT tự nhận thấy quy hoạch các nút giao thông của HAIDEP hợp lý hơn so với đề xuất của Bộ, nên tại vành đai 4 đã thống nhất bổ sung thêm 6 nút giao lập thể theo đề xuất của HAIDEP để kết nối với mạng lưới đường hướng tâm (gồm cả cao tốc và quốc lộ).
Song, về một số vấn đề khác liên quan vành đai 4, Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên như quy hoạch Bộ đã và đang nghiên cứu, bởi theo lý giải của Bộ này – hướng tuyến đường vành đai 4 đã được nghiên cứu trong báo cáo nghiên cứu khả thi của tuyến đường này. Theo đó, vị trí tuyến đã có sự thỏa thuận, thống nhất của các tỉnh, huyện nơi tuyến đi qua, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch và đặc điểm sử dụng đất cũng như các dự án mà địa phương đang triển khai.
Đặc biệt, việc đề xuất hướng tuyến và vị trí của vành đai 4 này đã xét đến điều kiện giải phóng mặt bằng cụ thể trên từng phân đoạn. Việc phân tách Hà Nội với Sóc Sơn và sân bay Nội Bài được cho là không nên, đồng thời quy hoạch được giữ nguyên sẽ đảm bảo quỹ đất cho phát triển không gian Thành phố Hà Nội về phía bắc.
Dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tuần sau, “”đáp án”” cuối cùng cho vành đai 4 Hà Nội sẽ sớm được quyết định.